Hơn 1ha diện tích trồng bưởi hiện nay, trước đây được gia đình ông Trạch dùng để trồng một số loại cây ăn quả khác như: vải, nhãn, mít, xoài… nhưng theo như đánh giá của gia đình giá trị kinh tế thu được không cao. Ông Triệu Văn Trạch cho biết: Trước kia dân chúng tôi nghèo lắm, ông cha cũng không có nghề gì truyền thống, phù hợp. Dù là cán bộ nhà giáo về hưu nhưng lương trước kia thấp lắm, không đủ trang trải cuộc sống. Ông cười kể với chúng tôi: Bản thân Tôi cũng thích trồng cây, trước gia đình ở trong làng đấy nhưng sau khi nghỉ hưu vì để có đất trồng cây nên Tôi đưa gia đình vào đây. Nghe các con giới thiệu về giống bưởi Diễn, gia đình quyết định trồng thử. Năm đầu cây cho quả cũng chính là lúc vợ chồng tôi khao thọ, hái vào bà con ăn thử thấy ngon nên quyết định chặt bỏ toàn bộ cây ăn quả cũ để trồng nguyên bưởi Diễn.
Có kiến thức nông nghiệp từ bé, cùng với tính tỉ mỉ, chịu khó, những năm đầu tiên chuyển sang trồng bưởi Diễn, ông Trạch đã rong ruổi đi học hỏi kinh nghiệm ở những nhà vườn khắp nơi trong tỉnh, cũng như ở những vườn chuyên trồng bưởi Diễn ở Hà Nội. Hàng năm, cứ ở xã hay Hội làm vườn tỉnh có lớp bồi dưỡng, tập huấn gì liên quan là ông lại tham gia. Mới đầu, vườn bưởi nhà ông chỉ có 100 gốc bưởi, sau 2 năm trồng thấy có hiệu quả, mỗi năm ông lại trồng bổ sung thêm. Đến nay vườn bưởi của ông đã có gần 500 gốc bưởi, gốc lâu nhất cũng đã được trồng 9 năm; Thu nhập tăng lên dần theo từng năm, mấy năm gần đây đạt 300 – 400 triệu đồng/ năm, tăng gấp 20 lần so với trồng các loại cây ăn quả trước. Ông Đào Văn Đức - Chủ tịch Hội nông dân xã Hy Cương, thành phố Việt Trì cho biết: Gia đình nhà ông Trạch là hộ đầu tiên của xã trồng bưởi Diễn. Thấy hiệu quả kinh tế nên sau đó nhiều hộ trong xã cũng đã trồng theo, có những nhà cũng có 100 – 200 cây. Những hộ trong xã cũng thường xuyên đến thăm và học hỏi kinh nghiệm lấy giống và kỹ thuật chăm sóc nhà ông Trạch. Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Việt Trì cho biết thêm: Hy Cương được biết đến là xã gắn liền với Khu Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Đền Hùng, việc trồng bưởi Diễn tại đây sẽ rất thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra từ sản phẩm này sẽ phát triển ra những sản phẩm khác, tạo cơ sở cho dịch vụ phát triển.
Không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật và thời gian chăm sóc, những cây bưởi cho ra quả vừa có màu vàng óng, vỏ nhẵn đặc trưng của giống bưởi Diễn đất Kinh kỳ Hà Nội… nhưng lại vừa mang vị pha ngọt đặc trưng của vùng đất đồi Hy Cương. Mô hình đã tạo nên bước phát triển mới cho nền nông nghiệp cận đô thị của thành phố Việt Trì, một lần nữa đánh dấu sự thay đổi đáng ghi nhận trong tư duy, cách làm của người nông dân hiện nay.