Trong bức tranh chung về mạng lưới kinh doanh thương mại ở thành phố, người ta dễ nhận ra mạng lưới các siêu thị, chợ, chuỗi các tuyến phố chuyên doanh bởi đây là đầu mối, là cơ sở cho kinh doanh thương mại phát triển. Thực tế cho thấy, với chức năng và vị thế của đô thị loại I, Việt Trì đã bước đầu phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại như các siêu thị hạng III: Big C, Vincom Plaza, Pico, Media Mart, Aloha Mall, Viễn thông A, Hùng Vương, Phú Cường và các trung tâm điện máy, điện tử, điện lạnh như Việt Lâm, Toàn Anh, Trần Anh, Điện máy xanh cùng hàng trăm cửa hàng bán lẻ khác, đó là chưa kể đại lý của các hãng ô tô Honda, Hyundai, Mazda, Kia, Thaco…trên địa bàn.
Dù trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa thể hiện chi tiết các tuyến phố chuyên doanh nhưng hiện nay trên địa bàn Việt Trì đã xuất hiện nhiều tuyến phố được hình thành tự phát do người dân tự đầu tư mở các ngành nghề thương mại dịch vụ theo hướng chuyên doanh nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nổi bật trong số đó phải kể đến tuyến phố chuyên doanh điện tử - kỹ thuật số đường Hùng Vương (với 129 cơ sở kinh doanh máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, các sản phẩm điện tử khác; 68 cơ sở kinh doanh đồ gỗ; 256 cơ sở kinh doanh ngành nghề khác ).
Góp mặt vào chuỗi các tuyến phố chuyên doanh còn có chuyên doanh thời trang đường Hòa Phong (với 60 cơ sở kinh doanh); chuyên doanh dược phẩm và thiết bị y tế đường Châu Phong (với 20 cơ sở bán thuốc, dược phẩm y tế); chuyên doanh ăn uống giải khát đường Nguyễn Du (với 3 nhà hàng ẩm thực, 6 cơ sở cà phê giải khát và 55 cơ sở khác); chuyên doanh ẩm thực đặc sản tuyến phố Đoàn Kết (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Lạc Long Quân); chuyên doanh dịch vụ du lịch ở các tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường bao quanh Công viên Văn Lang với hơn 200 hộ kinh doanh. Ngoài ra còn có mạng lưới kinh doanh xăng, dầu với 21 cây xăng của các doanh nghiệp được phân bổ khắp thành phố.
Cùng với kinh doanh thương mại hiện đại, mạng lưới kinh doanh truyền thống là các chợ cũng được phủ kín các xã, phường. Tất cả các mạng lưới kinh doanh thương mại này đã góp phần tích cực trong giao thương hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giải quyết công ăn việc làm và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Dưới góc độ hiệu quả, có thể thấy rõ, các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố liên tục khởi sắc qua từng năm, phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế của thành phố.
Minh chứng cho điều này, ông Phan Thanh Dương - Trưởng phòng Kinh tế thành phố nêu lên vài con số: Nếu như trong giai đoạn 2010 - 2015, kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm của thành phố đạt 445 triệu USD, tốc độ tăng bình quân đạt 6,4%/năm (riêng năm 2015 đạt trên 733 triệu USD, tốc độ tăng trên 20%/năm) thì năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đã đạt con số 765 triệu USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng từ 5.499 tỷ đồng năm 2010 lên 10.910 tỷ đồng năm 2015 thì năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đã đạt 11.926 tỷ đồng. Không những thế, trong khu vực dịch vụ, thương mại đã được xem là phân ngành tạo việc làm lớn nhất với tổng lao động khoảng 7.000 người…
Dù vậy, cũng không khó để nhận ra những “yếu điểm” trong mạng lưới kinh doanh thương mại của thành phố bởi với quy mô nhỏ lẻ, các chợ truyền thống mới chỉ đảm nhiệm được vai trò trao đổi sản phẩm hàng hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cư dân nội vùng chứ chưa thực hiện được chức năng chợ đầu mối, chưa khai thác hết tiềm năng, tận dụng cơ hội giao thương phát triển thương mại dịch vụ với cả vùng, trong khi Việt Trì có lợi thế là điểm kết nối giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng cho hoạt động thương mại của thành phố vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ phát triển dịch vụ thương mại và gắn kết các hoạt động kinh tế trên địa bàn cũng như các địa phương lân cận. Đặc biệt, với quy mô mạng lưới và trình độ kinh doanh thương mại như hiện tại, ngành thương mại của thành phố khó có thể đáp ứng được nhu cầu cao về chất lượng phục vụ hay sự phong phú, đa dạng về sản phẩm hàng hóa của du khách trong nước và quốc tế…
Sớm nhận diện các “điểm nghẽn” này, thành phố đã tập trung tìm những lời giải mang tính tối ưu cho bài toán phát triển dịch vụ thương mại bằng nhiều động thái và bước đi tích cực. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nho - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Việt Trì cho biết, thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu để xây dựng Đề án phát triển các ngành dịch vụ của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó có phát triển dịch vụ thương mại. Đề án này sẽ được HĐND thành phố thông qua và có Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.
Thành phố cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 15.788 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 49.036 tỷ đồng; đến năm 2030, toàn thành phố có 23 chợ (trong đó có 3 chợ loại I, 5 chợ loại II) và 40 siêu thị cùng trung tâm thương mại…
Để đạt được những mục tiêu này, theo ông Lê Hồng Vân - TUV, Chủ tịch UBND thành phố, Việt Trì sẽ tranh thủ các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ, xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại vùng quy mô 10 ha nằm trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chợ đầu mối tại phía Nam Quảng trường Hùng Vương quy mô 5 ha; hoàn thiện đầu tư Trung tâm thương mại đa năng tại chợ trung tâm hiện nay; đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp Việt Trì.
Phát triển các dịch vụ phụ trợ cho phân phối hàng hóa và hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường nước ngoài, có cơ chế tài chính, tín dụng thông thoáng, tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực tài chính và uy tín tham gia liên kết, tổ chức được nguồn hàng, xây dựng các đầu mối thu mua, thu gom hàng xuất khẩu.
Phát triển các dịch vụ làm đầu mối xuất hàng ra bên ngoài thành phố, ra nước ngoài cho các loại hàng hóa CN, TTCN gắn với quy hoạch vùng nông sản hàng hóa, chăn nuôi trang trại quy mô lớn và xây dựng NTM. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý Nhà nước đối với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn thành phố; chủ động nguồn lực để giải quyết kịp thời các biến động của thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ; có cơ chế, chính sách để tạo lập vị thế và sức mạnh điều tiết thị trường của hệ thống bán lẻ.
Trước mắt và lâu dài sẽ tập trung phát triển vào một số loại hình bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và siêu thị chuyên doanh; xây dựng các trung tâm hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, chợ đầu mối nông sản và trung tâm dịch vụ logistics trên tuyến đường nối Việt Trì với cao tốc Hà Nội - Lào Cai qua nút giao IC7; từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh quy mô nhỏ thành các cơ sở bán lẻ văn minh, phù hợp với từng phường, xã; có cơ chế hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp, di dời và xây mới chợ nông thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt…