Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ di sản tư tưởng và cuộc đời hoạt động hơn 60 năm của Người là một kho báu vô giá để lại cho chúng ta hôm nay và muôn đời sau. Di chúc của Người là lời dặn dò cuối cùng, là một sự tổng kết ngắn gọn, đầy đủ, thể hiện trí tuệ, tình cảm, niềm tin và sự trăn trở, suy tư của Người về những vấn đề hiện tại và tương lai của cách mạng, của dân tộc, của thế giới.

Di chúc của Người nói rất ít về việc riêng, chủ yếu Người căn dặn những việc cần làm có tính cấp bách trước mắt và cơ bản lâu dài, nhất là sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, Người muốn dành lời căn dặn đầu tiên, “trước hết nói về Đảng”. Bởi theo Người: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “một Đảng cách mạng vì dân, vì nước” và để làm tròn vai trò trách nhiệm lịch sử đó, Người đặt ra một số nguyên tắc, phương châm xây dựng Đảng sau: 

Thứ nhất, Đảng  phải đoàn kết, thống nhất “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Chính vì “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, như vậy nên Người yêu cầu “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải gìn giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự đoàn kết đó trước hết phải được thể hiện ở sự thống nhất về đường lối, về tổ chức trên cơ sở tuân thủ một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; phải thường xuyên làm tốt việc tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân - một nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng mất đoàn kết, thậm chí có khi nghiêm trọng làm suy giảm uy tín của Đảng. 

Thứ hai, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh yêu cầu “mỗi đảng viên và cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”. Theo Người, trong điều kiện Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng sẽ có những thuận lợi thách thức mới, nhất là các căn bệnh về chủ quan tự mãn, duy ý chí, độc đoán chuyên quyền, tham ô, tư túi… có điều kiện phát triển trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu không tích cực, chủ động khắc phục những căn bệnh đó, có thể dẫn tới nguy cơ không chỉ làm suy yếu Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy, theo Hồ Chí Minh, để xứng đáng với vai trò của Đảng cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Người khẳng định: Gốc của cách mạng là dân, gốc của công việc là cán bộ, gốc của người cán bộ là đạo đức, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. 

Thứ ba, Đảng phải lấy dân làm gốc. Đây cũng là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền. Xuất phát từ quan điểm “dân là gốc của nước”, Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của quần chúng nhân dân. Theo Người: Nhân dân là vốn quý nhất, nhân dân là  nguồn sức mạnh vô địch, cho nên trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, Người chỉ rõ: Phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Phải thường xuyên giữ vững và củng cố bền chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng cầm quyền, một trong những căn bệnh mà Đảng dễ mắc phải là bệnh quan liêu mệnh lệnh, xa rời quần chúng, Đảng phải vừa làm tròn trọng trách là người lãnh đạo, vừa là “người đầy tớ thật trung thành”, là công bộc tận tụy của nhân dân. Nếu đường lối của Đảng không vì nhân dân, nếu đảng viên, cán bộ của Đảng không là người đầy tớ trung thành của nhân dân thì sớm hay muộn, Đảng sẽ không giữ được vai trò lãnh đạo, cầm quyền của mình. 

Thứ tư, thường xuyên chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, là nhân tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Theo Người, chỉnh đốn Đảng không phải là một giải pháp tình thế, trước mắt, mà là một việc làm thường xuyên, liên tục. Nếu Đảng không được chỉnh đốn thường xuyên, không được củng cố vững mạnh thì không thể lãnh đạo được sự nghiệp cách mạng, không thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền xây dựng đất nước. 

Cũng theo Hồ Chí Minh, việc thường xuyên đổi mới chỉnh đốn Đảng cũng là để nhằm mục đích xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Người chỉ rõ: Đảng trong sạch trước hết và nổi bật ở vấn đề đạo đức, lối sống, tư cách của cán bộ, đảng viên, của tổ chức Đảng các cấp. Đảng cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng, dẫn tới sự thoái hóa, biến chất của những cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện. Đảng vững mạnh không phải là do số lượng đảng viên đông hay ít mà ở chất lượng chi bộ, chất lượng đảng viên. Đảng vững mạnh còn là ở phẩm chất, năng lực lãnh đạo, trình độ trí tuệ của Đảng, ở sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, ở mối liên hệ sâu sắc, gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân. 

          Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, cũng là 50 năm Người vĩnh biệt chúng ta để về với thế giới người hiền, những tư tưởng của Người, tấm gương đạo đức, phong cách và những lời căn dặn cuối cùng của Người, vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa sâu sắc đối với chúng ta. Tuân theo những lời dạy của Người, xuyên suốt nhiều năm qua, đặc biệt trong những năm đổi mới, Đảng đã luôn coi trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt rất nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên, cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng Đảng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Để tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, để những trăn trở, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc được thực hiện sinh động trong thực tế, hơn lúc nào hết đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất cao của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; luôn xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc.

 

PGS,TS Nguyễn Quốc Bảo Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Thành phố Việt Trì tăng cường quản lý nội quy Công viên Văn Lang.
Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo mỹ quan, trật tự hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì đang tổ chức các hoạt động kiểm tra, nhắc nhở nhằm ngăn chặn tình trạng câu cá của một số người dân.