Phú Thọ - Những lần Bác về thăm
Cập nhật ngày: 02/04/2019 15:54
Trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của dân tộc luôn là một tấm gương tỏa sáng muôn đời về lòng yêu nước, đức hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng của dân tộc và phong trào hòa bình của nhân dân thế giới. Trong cuộc hành trình ấy Bác đã dừng chân ở nhiều địa phương và dành những tình cảm sâu sắc cho đồng bào các dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ thật vinh dự, tự hào được đón Bác 9 lần về thăm. Mỗi địa danh trên quê hương đất Tổ, nơi Người đặt chân đến đều trở thành những địa chỉ đỏ cách mạng, những minh chứng lịch sử trực quan sinh động được nhân dân Phú Thọ qua các thế hệ trân trọng, nâng niu, gìn giữ.

         1. Từ ngày 4/3 - 1/4/1947, trong hành trình từ Hà Nội lên Việt Bắc lãnh đạo toàn dân kháng chiến, Người đã dừng chân tại các xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông), Chu Hóa (huyện Lâm Thao - nay thuộc thành phố Việt Trì) và Yên Kiện (huyện Đoan Hùng). Trong thời gian làm việc tại đây, Bác đã dành thời gian đọc “Việt Nam sử lược”; nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo của Đảng nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh, vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; đặt tên cho các đồng chí trong đội cận vệ của Người là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi để nhắc nhở mọi người nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo, công bố nhiều tài liệu, văn kiện quan trọng.

        2. Đầu năm 1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch ở hướng Đông Bắc (đường số 18) lấy tên là chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Đại đoàn quân 312 được giao nhiệm vụ cùng Đại đoàn 308 tham gia chiến đấu ở chiến trường chính, làm nhiệm vụ đánh viện binh địch. Tháng 3/1951, Đại đoàn 312 mở hội nghị ở xóm Cúng, xã Đại Phạm, huyện Hạ Hòa quán triệt nhiệm vụ trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Một vinh dự lớn đến với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm đơn vị. Người hỏi han tình hình học tập của cán bộ, chiến sĩ, tình hình sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Đại đoàn, Người căn dặn: “Muốn đánh thắng, trước hết phải đoàn kết chặt chẽ và có quyết tâm cao”.

        3. Ngày 18, 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng, viếng mộ Tổ và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong để giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại Đền Giếng, Bác đã nói chuyện và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân, tránh sa ngã, cám dỗ trước những “viên đạn bọc đường”, đặc biệt, Người nhấn mạnh:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 18 - 19/9/1954, Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô...

Ngày 18 - 19/9/1954, Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô...

        4. Ngày 12/2/1956 (tức ngày mùng Một tết Bính Thân), Bác đã đến thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại công trường khôi phục cầu Việt Trì. Người căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; thi đua làm mau, làm tốt, làm rẻ; kết hợp chống tham ô, lãng phí. Công nhân Việt Nam đoàn kết với các đồng chí bạn; học tập kinh nghiệm quý báu của bạn… Sau hơn nửa năm khẩn trương lao động và chỉ hơn một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, ngày 23/3/1956, cầu Việt Trì đã được xây dựng xong, thông suốt giao thông đường sắt và đường bộ, nối liền các tỉnh phía Bắc với các tỉnh đồng bằng và Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh lên một bước mới.

... thăm công trường khôi phục cầu Việt Trì ngày 12/2/1956,...

        5. Ngày 20/7/1958, Người về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Người  đã họp với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã. Tại đây, Bác nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh: “Kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm, ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn bộ cán bộ và toàn thể nhân dân, phải đánh tan tư tưởng tiêu cực, bi quan, ngại khó, cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi sát với quần chúng, phải nắm lấy một số nơi, tham gia lao động với quần chúng, học tập kinh nghiệm và sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng một cách thiết thực và toàn diện; các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhân dân định kế hoạch cụ thể, phải phát triển và củng cố tổ đổi công và làm cho sản xuất nông nghiệp thật vững chắc”.

... ngày 20/7/1958, Bác Hồ nói chuyện tại "Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ"

        6. Ngày 13/4/1959, Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Khu Công nghiệp Việt Trì. Người nói: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước… Bác mong các cô, các chú cùng thi đua xây dựng sao cho các nhà máy được ra đời để hoạt động càng sớm càng tốt, để ta có thể được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài”… Những lời căn dặn của Bác là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân đang xây dựng khu công nghiệp. Sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, ngày 18/3/1962, Khu Công nghiệp Việt Trì được khánh thành.

... về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng Khu Công nghiệp Việt Trì ngày 13/4/1959...

        7. Ngày 20/3/1961, cán bộ và xã viên HTX Đồng Tâm, xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Đoan Hùng) - điểm sáng nông nghiệp của miền Bắc đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Bác khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên và bà con xã viên đã tích cực khai hoang, mở rộng diện tích và nỗ lực đẩy mạnh sản xuất. Bác ân cần dặn dò cán bộ và nhân dân Đồng Tâm phải ra sức xây dựng hợp tác để cùng với Đại Phong (một HTX điển hình của tỉnh Quảng Bình và toàn miền Bắc trong những năm đầu xây dựng HTX) sánh vai tiến bước.

... ngày 20/3/1961, Bác nói chuyện với cán bộ và xã viên HTX Đồng Tâm, huyện Đoan Hùng - điểm sáng nông nghiệp của miền Bắc...

        8. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 18 và 19/8/1962, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tại sân vận động thị xã Phú Thọ, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua trong toàn tỉnh. Người căn dặn: “Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”. Sau khi dự lễ mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm HTX Nam Tiến và Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Trên đường về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào thăm Đền Hùng và Lữ đoàn Pháo binh 374 - 1 trong 4 Lữ đoàn được thành lập theo hướng chiến lược để bảo vệ Tây Bắc.


... ngày 19/8/1962, Bác nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ...

        9. Ngày 26/1/1964, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) -  đơn vị trồng cây điển hình của miền Bắc vinh dự được đón Người về thăm. Tận mắt chứng kiến thành tích trồng cây của xã, Bác rất hài lòng và mong muốn Vinh Quang phát huy tốt hơn nữa việc trồng cây. Người căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã phải tiếp tục phấn đấu trên tất cả các mặt sản xuất, văn hóa để đời sống nhân dân ngày càng no ấm và văn minh hơn.

... ngày 26/1/1964, Bác thăm đồi cây Bạch Thạch của HTX Thắng Lợi, xã Quang Vinh

        Mỗi việc làm của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ cho chúng ta thấy hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thật gần gũi, giản dị và ấm áp. Tư tưởng, đạo đức và tấm gương của Người luôn tỏa sáng, là niềm tin để nhân dân Phú Thọ cũng như nhân dân cả nước chung sức đồng lòng, đưa quê hương đất Tổ phát triển nhanh, bền vững.

Theo PTO
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...