Vươn lên thoát nghèo từ lao động nông nghiệp
Cập nhật ngày: 07/08/2014 21:53
Tại hội nghị biểu dương hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ nghèo vượt khó và gia đình nông dân văn hóa giai đoạn 2011 – 2014 do Hội Nông dân thành phố Việt Trì tổ chức vừa qua đã có 63 hộ nông dân trong toàn thành phố được tuyên dương, khen thưởng. Trong số những hội viên nông dân xuất sắc ấy, anh nông dân Hoàng Ngọc Tuấn được nhớ đến như một tấm gương điển hình cho phong trào “Nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững”.

 

 

 

 

Sinh năm 1978, anh nông dân Hoàng Ngọc Tuấn ở khu 3 – xã Thanh Đình (thành phố Việt Trì) đã có một thời gian thoát ly khỏi quê hương, bươn trải với “cơm áo gạo tiền” nơi đất khách quê người. Sau 6 năm làm công nhân tại Công ty lâm trường ở Đoan Hùng, đầu năm 2006, anh cùng vợ quay trở về quê hương với số vốn ít ỏi tích cóp nhiều năm để phụng dưỡng mẹ già. Năm đó, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Ông Nguyễn Văn Xuân – hàng xóm nhà anh Tuấn cho biết, ông biết gia đình Tuấn từ khi anh còn nhỏ. Bố anh ốm đau liên miên, mẹ lại bị tật nguyền chỉ có một cánh tay phải, nhà có 5 anh chị em. Thời điểm bố anh qua đời cũng là lúc gia đình anh vô cùng khốn khó. Thương mẹ, thương các em, Tuấn nghỉ học khi mới lên lớp 8 để phụ giúp mẹ, giúp các em tiếp tục được đến trường. Thấy bảo công việc trên lâm trường không được tốt lắm nên vợ chồng Tuấn lại trở về địa phương, mới đầu về 2 vợ chồng ở trong căn nhà vách đất chăm sóc mẹ già.

Cuối năm 2006, theo chính sách hộ nghèo, được sự hỗ trợ của Hội nông dân địa phương, Anh Tuấn được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng, Anh đầu tư mua xe công nông chạy. Nhưng công việc làm ăn không được thuận buồm, xuôi gió, chăm  chỉ mãi mà vẫn không đủ chi tiêu hàng ngày. Vắt trán, anh Tuấn suy nghĩ: Bản thân mình xuất thân từ gia đình nông dân, từ bé đã quen thuộc với cái cày, con trâu, vậy thì chỉ có thể vươn lên bằng con đường làm nông nghiệp. Năm 2009, từ bỏ chạy xe công nông, vợ chồng anh quyết định xin chuyển đổi gần 2 sào ruộng của gia đình và mua thêm 1 sào ruộng để đào ao nuôi cá, kết hợp với nuôi lợn và nấu rượu. Đến nay, gia đình anh duy trì nuôi mỗi lứa từ 20 - 30 con lợn thịt và hàng trăm con gia súc, gia cầm. Trừ mọi chi phí, hàng năm gia đình anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Đầu năm 2014, anh đã xuất bán được gần 2 tấn lợn thương phẩm thu 75 triệu đồng, thu từ bán cá giống 8 triệu đồng, 150 con gà, vịt đẻ cũng cho gia đình anh thu khoảng 300.000 đồng/ngày từ việc bán trứng. Hiện tại gia đình đang nuôi hai chục đầu lợn thương phẩm, 4 con lợn nái, duy trì khoảng 150 con gà, vịt, dự kiến năm nay sau khi trừ hết chi phí sẽ thu lãi từ 75-80 triệu đồng. Anh cho biết: Có được kết quả như ngày hôm nay, Anh đã phải tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi từ sách, báo và trên các phương tiện thông tin đại chúng như cách chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, cách làm chuồng... để áp dụng vào thực tiễn mô hình, coi trọng việc phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức và đi tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2011, từ ngôi nhà vách đất lụp xụp, vợ chồng anh đã xây được căn nhà 2 tầng, vươn lên, trở thành hộ thoát nghèo bền vững của xã. Ông Phan Văn Hẫy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Đình cho biết: Anh Tuấn là người cần cù siêng năng, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Tại xã Thanh Đình ít ai có thể làm được như gia đình anh Tuấn. Trong nhiều năm qua, xã cũng có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhưng sau mấy tháng, hoặc một hai năm vì biến cố này, biến cố kia lại quay trở lại hộ nghèo, nhưng gia đình anh Tuấn thì không.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, gia đình anh Tuấn còn thường xuyên giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Anh đã tư vấn  giúp bà con cách chọn giống lợn nuôi nái, lợn thương phẩm, cách làm chuồng sao cho đúng yêu cầu kỹ thuật, sẵn sàng cung cấp nguồn giống gia súc, gia cầm chậm trả tiền để bà con có điều kiện chăn nuôi tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhắc đến gia đình anh Hoàng Ngọc Tuấn ở khu 3, xã Thanh Đình, không ai nghĩ, người nông dân năm xưa trở về quê với 2 bàn tay trắng, nay lại trở thành hộ khá giả trong xã. Với cơ ngơi hiện có, gia đình anh Hoàng Ngọc Tuấn đã trở thành tấm gương điển hình cho ý chí của người nông dân, biết vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 

 

 
Thùy Dung – Minh Quang
Các tin khác:
Tình với quê hương (01/11/2021 12:12)
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...