Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc sinh ra và lớn lên tại xã Kim Đức (thành phố Việt Trì), cái nôi của nghệ thuật Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Anh trai bà từng là ông trùm phường Xoan nức tiếng trong làng. Có lẽ chính vì thế, niềm yêu thích nghệ thuật dường như đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc ngay từ thuở ấu thơ. Năm 14 tuổi, bà đã theo chân anh trai và các cụ cao tuổi ra đình làng học hát Xoan. Bà Ngọc tâm sự: “Ngày đó, cứ mỗi lần anh tôi ở nhà, ông lại ngân nga những câu Xoan cổ và nói cho tôi nghe ý nghĩa của các bài Hát Xoan khiến tôi vô cùng thích thú. Rồi trong ngày hội làng, tiệc làng, thấy mọi người xúng xính áo quần ra đình hát Xoan, tôi lại càng thấy hay, cứ thế tôi đi theo để nghe và học”.
Trải qua năm tháng, bà Ngọc cũng như nhiều người con của quê hương Kim Đức luôn nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật Hát Xoan ngay cả khi sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bởi thế, dù không biết nhiều chữ nghĩa, cũng chẳng có sách vở gì, hằng ngày bà Ngọc vẫn cần mẫn, miệt mài thắp đèn dầu đi học hát Xoan nhờ phương pháp truyền khẩu từ các cụ trong làng, dần thành quen, càng học càng thấy yêu những câu Xoan thắm đượm nghĩa tình. Sau nhiều năm khổ luyện, bà Ngọc trở thành một đào nương có tiếng với giọng hát vang vọng mê đắm lòng người.
Khi am hiểu, nắm giữ và thực hành thuần thục các quả cách, làn điệu Hát Xoan cổ, hát hội, hát phú, đúm, lý, bà Ngọc cùng các đào, kép trong phường Xoan Thét đi biểu diễn ở nhiều nơi, trong nhiều sự kiện như tế lễ, hội làng, tại các làng kết nghĩa như Tú Du, Phượng An, Tử Đà, Hùng Lô… Và cứ thế, những làn điệu Xoan đã trở thành ngọn nguồn đam mê, gắn bó máu thịt với người nghệ nhân ấy. Thời gian sau đó, bà bắt đầu dạy hát Xoan cho các con, các em và các cháu trong làng. Ngoài mở lớp truyền dạy tại nhà, bà còn nhiệt tình tham gia các buổi truyền dạy hát Xoan do địa phương tổ chức. Đến nay, số lượng người theo học bà đã lên tới hàng trăm người, trong đó có nhiều học trò xuất sắc, trở thành hạt nhân trong phong trào văn hoá, văn nghệ - thế hệ kế cận tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền những làn điệu Xoan ở địa phương.
Như nhiều nghệ nhân cao tuổi khác, cách truyền dạy hát Xoan của nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc cũng theo lối truyền khẩu. Nghĩa là, nghệ nhân sẽ hát, múa từng nhịp Xoan làm mẫu trước, học trò xem và tập theo, rồi cả nghệ nhân và học trò cùng hát múa. Bà Ngọc bảo rằng, hát Xoan vừa dễ lại vừa khó học. Dễ là bởi Hát Xoan thường được biểu diễn tại sân đình - nơi gắn với những sinh hoạt tập thể hết sức gần gũi với người dân, giai điệu mộc mạc, giản dị và dễ thể hiện... Cái khó là ở chỗ, Hát Xoan vốn là một nghệ thuật cổ có âm điệu không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, ca từ đa số theo văn Hán Nôm, động tác tay và chân phải kết hợp nhịp nhàng với lời hát, nếu không thật sự yêu thích, say mê và chăm chỉ luyện tập thì sẽ rất khó để học được. Nhưng điều đáng mừng là các cháu đến học đều rất yêu thích và chịu khó tập luyện nên học thuộc rất nhanh, biểu diễn hay và thuần thục động tác.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng đã có lúc Hát Xoan tưởng chừng như bị mai một, dần mất đi vị thế của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, để gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy thì chính người nghệ nhân phải là người “giữ lửa”, giữ cho mình một tình yêu chung thủy với Hát Xoan, dành tất cả tâm huyết, niềm đam mê, làm tất cả những gì có thể để Hát Xoan giành lại vị trí xứng đáng của mình trong cộng đồng xã hội. Và nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc đã làm được điều đó. Bên cạnh việc tham gia trình diễn và truyền dạy Hát Xoan, bà Ngọc và nhiều nghệ nhân khác đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình lập hồ sơ di sản để Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và sau này trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như cung cấp những bài Xoan cổ, các điển tích, thông tin về trang phục, nghệ thuật trình diễn và những tư liệu liên quan đến phường Xoan cho các nhà nghiên cứu.
Có thể thấy, niềm vui, hạnh phúc của nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc chính là được sống trọn vẹn, đắm mình trong câu Xoan. Đi gần trọn cuộc đời, bà chưa từng ngừng nghỉ trong hành trình cống hiến và tiếp tục trao truyền cho nhiều thế hệ con cháu. Theo bà Ngọc, hiện nay, đa số nghệ nhân ở thế hệ của bà đều đã tuổi cao sức yếu, chỉ nay mai sẽ về với tiên tổ. Bởi thế khi còn sức khỏe, còn có thể hát thì bà và các nghệ nhân khác sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy những gì tinh túy nhất của làn điệu Xoan cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, bởi chính các cháu sẽ là người gìn giữ và viết tiếp những chặng đường phát triển của Hát Xoan, để Hát Xoan không chỉ sống trong lòng người dân Đất Tổ mà còn lan tỏa sâu rộng, thấm đượm trong trái tim của muôn triệu người dân Việt Nam.