Cập nhật ngày: 13/04/2016 11:27
Theo dòng lịch sử, chúng tôi về thành phố Việt Trì vào những ngày tháng ba âm lịch tìm gặp nhân chứng lịch sử - người nhận nhiệm vụ chuẩn bị treo Quốc kỳ ở Đền Hùng vào ngày giỗ Tổ năm 1946. Năm nay đã gần 90 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng cụ Hà Thể Mậu (phường Vân Phú, thành phố Việt Trì) vẫn nhớ như in giây phút lịch sử ấy. Bên ấm trà nóng vừa pha, lật giở từng trang tài liệu, cụ Mậu bồi hồi xúc động: Đầu năm 1946, khi ấy tôi 19 tuổi, đang làm Thư ký Ủy ban Hành chính xã Phú Nang và đội viên Trung đội tự vệ xã, thì có đoàn cán bộ của Liên khu 10, Tỉnh bộ Việt Minh Phú Thọ và Huyện bộ Việt Minh Hạc Trì về làm việc giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị treo Quốc kỳ và đón đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lên làm Lễ thượng cờ và dự ngày giỗ Tổ Hùng Vương.
Tại buổi làm việc, đoàn đã giao nhiệm vụ đón và bảo vệ Phái đoàn của Chính phủ cho Trung đội tự vệ xã Vân Luông. Đối với Trung đội tự vệ xã Phú Nang do thông thạo địa hình sẽ kiểm tra, lựa chọn, đào hố chân cột cờ, thân cờ và kéo cờ trong ngày Quốc giỗ. Khi ấy, còn 4 - 5 ngày nữa là vào hội, mà tình hình an ninh chưa ổn định. Bọn Việt Quốc, Việt Cách còn gây nhũng nhiễu ở nhiều nơi, từ thị xã Phú Thọ xuống làng Cổ Tích, xã Xuân Lũng và Hà Thạch. Để bảo vệ an toàn cho Phái đoàn Chính phủ, cấp trên đã điều động cán bộ và Trung đội tự vệ từ huyện Hạc Trì lên phối hợp Trung đội tự vệ xã Phú Nang và xã Văn Luông. Trong tay các Trung đội tự vệ lúc bấy giờ chỉ có một số giáo mác, mã tấu, dao găm và một ít lựu đạn cùng các dụng cụ dao, cuốc, xẻng để đào đất chặt cây.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, cụ Mậu cùng với đồng đội liền đi trinh sát, lựa chọn địa điểm dựng cờ Tổ quốc. Lúc đó, chọn địa điểm dựng cờ rất khó khăn vì phía Quốc Dân Đảng đã đưa một trung đội có vũ trang đầy đủ lên tranh giành vị trí dựng cờ ngay trước cổng chính lối lên đền - đây là khu đất rộng và nhân dân dự mít tinh đông đảo. Họ sẵn sàng đụng độ vũ trang nếu căng thẳng xảy ra. Mệnh lệnh của cấp trên đưa ra là phải tìm được chỗ dựng cột cờ to và cao hơn hẳn so với bên Quốc Dân Đảng. Bởi vậy, ông Mậu cùng các anh em đã bí mật dựng một cột cờ khác ở vị trí mỏm đồi cách đó vài chục mét (nay là sườn núi cao ngay trước bên trái cổng chính – lối lên đền), còn ở sân cổng đền vẫn lắp gá chân cột ở gần vị trí dựng cột cờ của Quốc Dân Đảng.
Nhằm che mắt bọn Quốc Dân Đảng, anh em trong đội ngụy trang bằng cách giả vờ dọn cỏ, phát quang cây cối tại hai bên lối lên đền. Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho lễ thượng cờ, cứ tối đến, chờ cho bọn Quốc Dân Đảng ngủ hết, cụ Mậu cùng anh em tập dựng cờ, kéo cờ cho thuần thục. Về phía bên Quốc Dân Đảng cũng đã chuẩn bị một cột cờ rất cao, muốn giành thế thắng với ta lúc thượng cờ đón đoàn Chính phủ. Bởi khi ấy, họ tưởng rằng lãnh đạo của Quốc Dân Đảng sẽ lên dự giỗ Tổ và làm lễ thượng cờ đỏ sao trắng (cờ của Quốc Dân Đảng).
Sáng chính giỗ mùng 10 tháng 3 năm Bính Tuất 1946, Trung đội tự vệ xã Phú Nang đã chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ thượng cờ. Cụ Mậu kể, lúc ấy bọn Quốc Dân Đảng kéo lên rầm rập, anh em vừa lo bảo vệ cờ, vừa lo ứng phó với bọn Quốc Dân Đảng nếu có biến cố xảy ra. Buổi sáng hôm ấy thời gian dường như ngừng trôi, anh em chờ ngóng thông tin của Phái đoàn Chính phủ gồm những ai lên. Đến gần giữa trưa, chiếc xe ô tô đưa Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đỗ ngay sân nhà Công quán. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng bước trên xe ô tô xuống thì cột cờ chính được dựng ngay lên. Việc tổ chức Lễ thượng cờ do Liên khu ủy cùng Tỉnh bộ Việt Minh Phú Thọ chỉ đạo Huyện bộ Việt Minh Hạc Trì đảm nhiệm. Ông Phùng Viện (Trung đội trưởng đội tự vệ xã Vân Luông) được cử lên làm người đứng hô chào cờ. Lá cờ đỏ Sao Vàng đã được buộc sẵn ngả chéo nơi đỉnh cột cờ chính. Lá cờ đỏ Sao Vàng – Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tung bay phấp phới trong niềm hân hoan, xúc động của biết bao đồng bào. Lá cờ đỏ Sao Vàng đã thấm máu biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước và trở thành “hồn thiêng sông núi”, là biểu tượng linh thiêng gắn liền với biết bao biến cố thăng trầm lịch sử, luôn thôi thúc mọi người Việt nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về trách nhiệm công dân đối với đất nước và dân tộc. Thấy lá cờ đỏ Sao Vàng tung bay trong gió, đám lính của Quốc Dân Đảng đã lẳng lặng chuồn mất.
Lễ thượng Quốc kỳ ngày giỗ Tổ vào mùng 10 tháng 3 năm 1946 diễn ra suôn sẻ, long trọng, nghiêm trang trong không khí yên bình. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước nói với bà con: …Thưa các cụ bô lão, các quan chức cùng toàn thể nhân dân và đồng bào. Tôi được Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa lên để làm Lễ Thượng cờ và dâng hương nhân ngày giỗ Tổ của chúng ta. Tôi mong toàn thể hơn 20 triệu đồng bào đoàn kết chặt chẽ thành một khối, quyết giữ lấy chính quyền cách mạng… Sau đây mời các cụ bô lão và đồng bào cùng chúng tôi lên Đền Thượng dâng hương kính Tổ.
Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng năm ấy đã dâng lên Điện Kính Thiên một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm kính cáo và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cũng năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.
70 năm đã trôi qua, hình ảnh cờ Tổ quốc lần đầu tiên bay rực rỡ trên nền trời Nghĩa Lĩnh đúng ngày giỗ Tổ vẫn còn y nguyên trong tâm trí của người cựu chiến binh Hà Thể Mậu. Sau sự kiện này, cụ Mậu tiếp tục hoạt động cách mạng ở xã và huyện Hạc Trì. Tháng 1/1950, cụ được cử đi học cơ yếu, chính thức tham gia bộ đội chính quy. Cụ vinh dự được cử phụ trách tham gia công tác cơ yếu do Ban Chỉ huy Tỉnh đội Phú Thọ trong suốt cuộc kháng chiến. Năm 1061, cụ được điều đi học tiếp Trường Sỹ quan Chính trị và tiếp tục phục vụ quân đội cho đến khi về hưu năm 1972. Hơn 60 năm tham gia cách mạng, cụ Mậu được tham dự và chứng kiến biết bao sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội…