Như thường lệ, mỗi tuần 3 bận chị Phùng Thị Nghị ở huyện Yên Lập lại vượt khoảng 80 cây số để xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chạy thận, trước lạ…sau quen, biết hoàn cảnh khó khăn của chị, anh Nguyễn Ngọc Toản – Đội trưởng đội xe ôm an toàn Chữ thập đỏ đã thương cảm và tự nguyện chở miễn phí, nếu lấy tiền thì chỉ là một chút ít để chị Nghị vui lòng, hành động san sẻ và cảm thông của anh Toản đã giúp chị Nghị vơi bớt khó khăn trong quá trình điều trị bệnh tật của mình:
Đối thoại: Anh Toản: - Em ơi chiều nay mấy giờ xong nhỉ?
Chị Nghị: - Khoảng 2 rưỡi chiều em xong
Anh Toản: - Chiều anh vào đón nhé, cứ ra đây nhé.
Chị Nghị: - Vâng.
(Tại khoa thận – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) -gạt dòng nước mắt Chị Phùng Thị Nghị - Huyện Yên Lập - Tỉnh Phú Thọ tâm sự với phóng viên:
“Các anh ấy nhiệt tình và rất tốt, dù đêm hôm mưa gió vẫn có áo mưa để che cho mình vào được đến đây, lần nào cũng thế, có hôm mưa gió vừa xuống xe là các anh lấy áo mưa cho và đưa vào. Đối với chị các anh xe ôm đó quá quen rồi, chỉ nhìn thấy bóng chị từ xa là lao xe lên để đón, thật là như thế, các anh ấy tốt lắm”.
Gần 40 tuổi đã có trên 15 năm chung sống với căn bệnh suy thận, sau hơn 3 giờ lọc máu chị Nghị lại bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà, chặng đường để duy trì sự sống của chị Nghị thật gian truân:
(Cuộc gọi điện thoại của chị Nghị): A. Toản à, anh vào bệnh viện lai em ra bến xe em về nhà với ạ…vâng ạ, em chạy thận xong rồi anh ạ.
…Và đây là tâm sự của anh: Nguyễn Ngọc Toản – Đội trưởng đội xe ôm am toàn Chữ thập đỏ phường Gia Cẩm – Việt Trì.(tại địa điểm đón chị Nghị dốc ngã ba Công đoàn – phường Gia Cẩm)
“Tôi thấy cô ấy hoàn cảnh rất là thương tâm, người còn trẻ mà bị bệnh hiểm nghèo như thế, cô ấy ở tận thị trấn Yên Lập mà mỗi khi xuống xe khách ở đây, biết được hoàn cảnh như thế thì mình giúp, giúp được phần nào cho cô ấy bới khó khăn là mình cảm thấy vui rồi”
(Cũng tại dốc ngã ba Công đoàn) Trao đổi cùng phóng viên chị Phùng Thị Nghị - Huyện Yên Lập - Tỉnh Phú Thọ cảm thấy băn khoăn:
“Anh ấy mà lấy tiền thì chỉ lấy một chút gọi là, mình cũng thông cảm cho người ta, vì người ta cũng phải mưu sinh để kiếm sống, nếu các anh lấy của người khỏe 10 phần thì chỉ lấy của mình có 1 phần thôi. Nếu cứ cho mình đi nhờ mãi thì mình cũng thấy rất ngại lăn tăn, băn khoăn lắm”
Không chỉ cứu giúp những người khó khăn, những người xa cơ, lỡ bước, mà 15 thành viên trong Đội xe ôm an toàn luôn có mặt kịp thời cứu giúp những người không may bị tại nạn giao thông. Trường hợp của cụ Trì (87 tuổi, trú tại khu 10, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) đang sang đường thì bất ngờ một thanh niên đi ngược chiều phóng quá nhanh, do không làm chủ được tốc độ nên đã lao thẳng vào bà cụ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các thành viên trong Đội xe ôm an toàn lập tức chạy tới. Mỗi người một việc, người đỡ người bị nạn và tiến hành sơ cứu vết thương, người giữ hiện trường và không để cho đối tượng bỏ chạy…
Đội xe ôm an toàn không chỉ làm từ thiện trên đại lộ Hùng Vương mà họ còn mở rộng tấm lòng nhân ái của mình đến những hoàn cảnh khó khăn khác. Đến thăm gia đình chị Tạ Thị Yến ở khu 13 – xã Thanh Đình – TP.Việt Trì, gia đình chị có hoàn cảnh rất éo le. Bản thân chị Yến – bị phình động mạch chủ, chồng và con trai thứ hai cũng đều mắc bệnh. Chị bất lực nói:
“Đời em đã chết đi sống lại 4 lần rồi, nếu lần này trời thương xót em thì em được làm người còn không thì em đành phải chịu thôi. Bởi vì không làm thế nào để vay mượn chạy chữa được ở đâu cả, không còn gì để bán cả. Em đã rất cố gắng nuôi 2 con còn nhỏ nhưng đến giờ em không biết bấu víu vào đâu, em giờ chỉ biết sống nhờ vào xã hội mà thôi. Bây giờ chỉ mong xã hội cứu vớt em để em lo nốt phần đời còn lại”.
Dọc theo Đại lộ Hùng Vương – thuộc địa bàn phường Gia Cẩm đều có bóng dáng của những anh em trong đội, nhưng ở ngã ba dốc Công đoàn này được chọn là điểm cắm chốt, bởi đây là điểm nóng về tai nạn giao thông, rất cần sự có mặt của đội xe ôm an toàn và cũng bởi xuất phát từ những suy nghĩ đơn giản như thế này. Anh: Lê Hữu Hạnh – thành viên đội xe ôm an toàn CTĐ Gia Cẩm – Việt Trì bộc bạch:
“Thực ra là nó rất đơn giản, bởi nó tình người thôi. Đã là chạy xe ôm thì không có ai khá giả cả, tôi chỉ hiểu đơn giản là tình người mà tình người thì ai cũng sẽ giúp nếu có sự việc không may xảy ra”.
Anh: Nguyễn Mạnh Lâm - thành viên đội xe ôm an toàn CTĐ Gia Cẩm – Việt Trì cũng cùng chung suy nghĩ:
“Công việc của chúng tôi làm nghề xe ôm nói chung là cứu hộ nhiều, chứ không phải là vì tiền bạc, nhiều khi cứu người làm phúc là chính”
Có lẽ vậy, mà trước khi thành lập đội xe ôm an toàn CTĐ, những thành viên đã làm những công việc thầm lặng để cứu người, thấy vậy ông Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch Hội CTĐ phường Gia Cẩm đã có sáng kiến thành lập đội để công việc được hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, họ được tập huấn sơ cấp cứu và phản ứng nhanh khi có tai nạn xảy ra. Chị Lê Thị Huyền – Khu 11 – phường Gia Cẩm – Việt Trì đã nhiều năm ngồi bán nước ở ngã ba dốc Công đoàn và chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn cho biết:
“Đây là chỗ ngã ba, xảy ra tai nạn rất là nhiều, tôi thấy các chú trong đội xe ôm Chữ thập đỏ rất là nhiệt tình, người thì bảo vệ hiện trường, người thì băng bó vết thương, trường hợp bị thương nặng các chú đưa ngay vào viện để cứu chữa kịp thời”.
Năm 2009, Đội xe ôm an toàn CTĐ ra đời, từ đó cho đến nay, đã có 411 vụ tai nạn được cấp cứu kịp thời và không biết bao nhiêu chuyến xe miễn phí chuyên chở người nghèo, người tàn tật, lanh thang, cơ nhỡ. Nói về động lực để ông đứng ra thành lập đội xe ôm an toàn CTĐ ông: Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch Hội CTĐ phường Gia Cẩm – Việt Trì cho biết suy nghĩ của mình:
“Năm 2009, có một lần tôi đang trên đường đi làm thì thấy có một vụ tai nạn, anh em xe ôm người thì sơ cấp cứu, người thì đưa vào viện. Trước hình ảnh thực tế như thế tôi nghĩ ngay đến việc mình phải vận động, tập hợp những anh em xe ôm lại vì đây là người ta đang làm nhân đạo mà mình lại chính là chủ tịch Hội chữ thập đỏ, điều này đã thôi thúc tôi thành lập đội xe ôm này…Và tôi đã tập hợp được 15 thành viên vào trong đội xe ôm an toàn Chữ thập đỏ để cùng tôi làm công tác nhân đạo”
Không chỉ giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, lanh thang, cơ nhỡ mà bản thân gia đình của các anh em trong đội phần lớn cũng đều có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ vì thế mà cũng mong muốn được sẻ chia với những người còn khó khăn hơn mình, cũng bởi xuất phát từ lương tâm và tinh thần trách nhiệm…Đó cũng là suy nghĩ đơn giản của anh: Đỗ Công Hoành thành viên đội xe ôm an toàn CTĐ Gia Cẩm – Việt Trì – Phú Thọ.
“Mình đã khó rồi mà mình giúp được người ta là mình cảm thấy sướng vô cùng, vì thấy người ta thoải mái, người ta có nụ cười là mình thấy hạnh phúc, phấn khởi và sung sướng lắm”.
Đối với các anh, phần thưởng lớn nhất sau mỗi lần cứu người, trả lại của rơi là thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản hơn. Tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của “Đội xe ôm an toàn” phường Gia Cẩm thật giải dị, đơn sơ nhưng thấm đượm tình người…
Hàng ngày những bánh xe của các thành viên trong “Đội xe ôm an toàn” vẫn lăn đều trên khắp các nẻo đường để mưu sinh. Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng họ vẫn gác lại để giúp đỡ những người bị nạn mà không mong được trả ơn. Tấm lòng của họ xuất phát từ trái tim nhân ái vì cộng đồng./.