Nhắc đến miếu Lãi Lèn là chúng ta lại được quay trở về với truyền thuyết dân gian gắn liền với huyền thoại Vua Hùng đi tìm đất xây thành: “Ba anh em Vua Hùng đi qua thôn Phù Đức vào buổi trưa, thấy mảnh đất này sơn thủy hữu tình, có núi, có sông, dân cư lại đông đúc nên đã dừng chân nghỉ lại. Dân chúng xung quanh thấy cờ lọng của vua đã hiếu kỳ kéo nhau đến xem, rồi họ rủ nhau về mang sản vật địa phương dâng lên vua. Từ trong gò đất, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co, thấy vậy Đức Thánh Cả liền bảo tùy tùng ra gọi chúng vào hát cho nghe và đem một số điệu hát dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới”. Để khắc ghi công ơn Người đã truyền dạy những điệu hát, dân chúng ở đây đã lập miếu thờ, lấy tên là Lãi Lèn.
Theo những người dân cao tuổi ở đây cho biết, Lãi Lèn, hiểu nôm na là nơi lèn bánh giầy dâng lên vua thể hiện sự biết ơn của Người đã gây dựng nên giang sơn nước nhà và truyền dạy những điệu hát Xoan ghẹo cho con dân. Và để ghi nhớ kỷ niệm này, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại mở hội cầu, sau này hội cầu kéo dài từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm ở miếu Lãi Lèn. Đến chập tối hội cầu hàng năm, phường Xoan phải lên hát thờ, hát mời vua ở miếu Lãi Lèn. Thế là câu chuyện về hát Xoan được sinh ra từ đó, các họ Xoan đều coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát Xoan, nơi mà các Vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân.
Vào mỗi dịp đầu năm mới, các phường Xoan và bà con trong vùng lại tụ họp tại đây để hát, tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, đồng thời như một nghi lễ báo hiệu năm mới đến, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống sung túc. Nghi lễ hát Xoan đầu năm tại miếu được diễn ra bài bản và quy củ, bao gồm 3 phần: Hát nhập tịch (hát mời vua về đón xuân mới cùng con dân), hát nghi lễ (hát thờ) và hát hội. Hát nhập tịch và hát nghi lễ được tổ chức long trọng bên trong miếu, hát hội là phần được bà con hưởng ứng đông đảo và mong chờ nhất sẽ được diễn ra tại sân miếu, phần hát này chính là phần hát đối đáp của nam nữ, thể hiện không khí vui tươi, phấn khởi bắt đầu một năm mới.
Theo ông Nguyễn Xuân Hội, cụ từ miếu Lãi Lèn và là ông trùm của phường Xoan Phù Đức - một trong ba phường Xoan cổ của xã chia sẻ: “Dịp đầu năm, chúng tôi tụ họp tại đây để hát những điệu Xoan truyền thống, ghi nhớ công ơn của các vị Vua Hùng, hát cầu cho một năm mới no đủ, thái hòa, đồng thời cũng hát phục vụ bà con, giúp bà con thêm yêu mảnh đất nguồn cội nơi mình sinh ra và để cho con em mình biết và hiểu rõ hơn về nguồn gốc sinh thành”. Hát Xoan thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân Việt