Miếu Lãi Lèn nơi phát nguồn Xoan cổ
Cập nhật ngày: 13/02/2017 16:23
Theo làn điệu mượt mà, gần gũi của câu hát Xoan, chúng tôi tìm đến miếu Lãi Lèn - “nhà hát lớn” đầu tiên của Việt Nam thời Văn Lang và là nơi phát tích nguồn Xoan cổ ở thôn Hội, khu 6, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì .

Nhắc đến miếu Lãi Lèn là chúng ta lại được quay trở về với truyền thuyết dân gian gắn liền với huyền thoại Vua Hùng đi tìm đất xây thành: “Ba anh em Vua Hùng đi qua thôn Phù Đức vào buổi trưa, thấy mảnh đất này sơn thủy hữu tình, có núi, có sông, dân cư lại đông đúc nên đã dừng chân nghỉ lại. Dân chúng xung quanh thấy cờ lọng của vua đã hiếu kỳ kéo nhau đến xem, rồi họ rủ nhau về mang sản vật địa phương dâng lên vua. Từ trong gò đất, các vị nhìn ra bãi cỏ trước mặt thấy lũ mục đồng vừa chơi vừa hát, chỗ thì đánh vật, chỗ thì kéo co, thấy vậy Đức Thánh Cả liền bảo tùy tùng ra gọi chúng vào hát cho nghe và đem một số điệu hát dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới”. Để khắc ghi công ơn Người đã truyền dạy những điệu hát, dân chúng ở đây đã lập miếu thờ, lấy tên là Lãi Lèn.

Theo những người dân cao tuổi ở đây cho biết, Lãi Lèn, hiểu nôm na là nơi lèn bánh giầy dâng lên vua thể hiện sự biết ơn của Người đã gây dựng nên giang sơn nước nhà và truyền dạy những điệu hát Xoan ghẹo cho con dân. Và để ghi nhớ kỷ niệm này, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Giêng âm lịch, dân làng lại mở hội cầu, sau này hội cầu kéo dài từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm ở miếu Lãi Lèn. Đến chập tối hội cầu hàng năm, phường Xoan phải lên hát thờ, hát mời vua ở miếu Lãi Lèn. Thế là câu chuyện về hát Xoan được sinh ra từ đó, các họ Xoan đều coi ngôi miếu này là nơi phát tích của hát Xoan, nơi mà các Vua Hùng đã từng truyền dạy điệu hát Xoan cho thôn dân.

Vào mỗi dịp đầu năm mới, các phường Xoan và bà con trong vùng lại tụ họp tại đây để hát, tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, đồng thời như một nghi lễ báo hiệu năm mới đến, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống sung túc. Nghi lễ hát Xoan đầu năm tại miếu được diễn ra bài bản và quy củ, bao gồm 3 phần: Hát nhập tịch (hát mời vua về đón xuân mới cùng con dân), hát nghi lễ (hát thờ) và hát hội. Hát nhập tịch và hát nghi lễ được tổ chức long trọng bên trong miếu, hát hội là phần được bà con hưởng ứng đông đảo và mong chờ nhất sẽ được diễn ra tại sân miếu, phần hát này chính là phần hát đối đáp của nam nữ, thể hiện không khí vui tươi, phấn khởi bắt đầu một năm mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Hội, cụ từ miếu Lãi Lèn và là ông trùm của phường Xoan Phù Đức - một trong ba phường Xoan cổ của xã chia sẻ: “Dịp đầu năm, chúng tôi tụ họp tại đây để hát những điệu Xoan truyền thống, ghi nhớ công ơn của các vị Vua Hùng, hát cầu cho một năm mới no đủ, thái hòa, đồng thời cũng hát phục vụ bà con, giúp bà con thêm yêu mảnh đất nguồn cội nơi mình sinh ra và để cho con em mình biết và hiểu rõ hơn về nguồn gốc sinh thành”. Hát Xoan thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là người dân ở Phú Thọ. Những bài hát thờ, các quả cách được biểu diễn trong đình để mời Vua. Từ xưa đến nay, theo truyền thống, vào những ngày Giỗ Tổ, hội làng, phường Xoan Phù Đức dù có đi biểu diễn ở nơi đâu cũng phải về miếu, về đình để hát. Các bài hát hội không được biểu diễn ở trong đình mà chỉ biểu diễn ở ngoài sân đình. Truyền thống đó vẫn đang được các phường Xoan lưu giữ như một nét đẹp của quê hương. Hát Xoan không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh mà còn đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Từ xưa, hát Xoan là món ăn tinh thần của người nông dân. Không chỉ vậy, hát Xoan còn là điểm tựa tinh thần cho một số người gặp những sóng gió trong cuộc đời. Ngày nay, giữa bộn bề của cuộc sống thường nhật, đôi khi làm con người quên đi những giá trị văn hóa to lớn có từ lâu đời. Chính vì thế, có thể nói việc gìn giữ và phát huy điệu hát Xoan tại miếu Lãi Lèn, như một phương thuốc thần giúp con người thấy nhẹ nhõm, tĩnh tâm tìm về nguồn gốc, tách biệt với xã hội xô bồ ngoài kia. Từ đó có thể thấy việc gìn giữ làn điệu hát Xoan là việc làm cần thiết và cấp bách, đặc biệt là những địa phương trực tiếp lưu giữ những làn điệu cổ. Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tâm, Chủ tịch UBND xã Kim Đức cho biết: Việc bảo tồn miếu Lãi Lèn, nơi được coi là phát tích nguồn Xoan cổ và những điệu hát Xoan đã có từ lâu đời là việc làm được chính quyền và bà con nơi đây vô cùng chú trọng. Hàng năm, vào mỗi dịp Tết đến xuân về hay những ngày lễ, ngày hội, địa phương đều tổ chức để các phường Xoan trong vùng về hát tại miếu Lãi Lèn. Bên cạnh đó, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan để tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan cho nghệ nhân, cho nhân dân; tổ chức các buổi giao lưu giữa các phường Xoan ở địa phương cũng như các địa phương khác trong tỉnh; đồng thời đưa hát Xoan vào tiết học âm nhạc ở trường tiểu học và trung học cơ sở của xã. Đặc biệt, sau khi hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, bà con nhận thức rõ hơn giá trị và trách nhiệm bảo vệ hát Xoan. Họ tự hào về điều đó và đến với hát Xoan nhiều hơn, đặc biệt là lớp trẻ. Một số lời Xoan mới cũng được sáng tác thêm để làm phong phú bài, bản Xoan, phù hợp với cuộc sống và hấp dẫn hơn với đông đảo nhân dân.


PTO