Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách xã hội quan trọng hàng đầu của Nhà nước, giúp người dân chia sẻ gánh nặng về tài chính khi phải chi trả các khoản chi phí khám, chữa bệnh.

Để tạo sự công bằng giữa người mua BHYT và người không mua BHYT trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau, từ ngày 15-3-2017 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp. Theo đó từ ngày 1-6-2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Cụ thể hóa Thông tư 02, UBND tỉnh  đã nghiên cứu, soạn thảo các quy định chi tiết về việc Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Phú Thọ quản lý, nếu được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp thứ tư thì dự kiến từ ngày 1-8-2017 các quy định mới sẽ chính thức được áp dụng. 

 

Nghe thông tin mức giá dịch vụ y tế cho nhóm đối tượng không có thẻ BHYT tăng, chị Đặng Thị Lan ở phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì tỏ ra khá lo lắng: “Năm nào cũng được Hội phụ nữ phường vận động mua BHYT, nhưng tôi thấy chưa cần thiết lắm bởi thu nhập mới tạm đủ ăn, trước mắt ưu tiên mua BHYT cho chồng, cho con. Mấy hôm nay nghe thông tin giá dịch vụ y tế cho những người không có BHYT tăng mạnh theo Thông tư 02 cũng thấy lo lo, ngộ nhỡ ốm đau, mổ xẻ thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh”. Sự lo lắng của chị Lan quả không thừa, bởi đã và đang có rất nhiều bệnh nhân vào điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian qua không có BHYT đã phải bỏ ra số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/1 đợt khám và điều trị bệnh. Nhiều trường hợp bị bệnh mãn tính, liên tục điều trị với chi phí cao khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Điển hình trong số đó là bệnh nhân Trịnh Thị Hồng 91 tuổi đang điều trị nội trú tại Khoa chạy thận nhân tạo. Do bị suy thận mãn, lại tuổi cao, khả năng phục hồi kém, bà Hồng phải thực hiện lọc máu chu kỳ 3 buổi/tuần, trung bình mỗi tháng tổng chi phí điều trị thuốc men, vật tư, giường nằm và các dịch vụ khác... khoảng 12 triệu đồng. Nếu tham gia mua BHYT tự nguyện thì các chi phí phục vụ điều trị bệnh của bà Hồng sẽ giảm đi rất nhiều do có nguồn chi trả từ Quỹ BHYT và tất nhiên sẽ bớt đi gánh nặng tài chính cho bản thân bà và gia đình. Tới đây khi giá dịch vụ y tế của đối tượng không có BHYT tăng thì chi phí chữa bệnh của bà Hồng sẽ không dừng lại ở con số 12 triệu đồng/tháng như trước. Trao đổi với ông Phan Sỹ Liên - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc tăng giá dịch vụ y tế, chúng tôi được biết: Theo quy định thì đối tượng áp dụng lần này chính là người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Để có những quy định cụ thể về điều chỉnh giá đối với hơn 1.900 dịch vụ y tế thuộc nhóm đối tượng không có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh thì ngoài căn cứ nội dung hướng dẫn của Thông tư 02, các sở, ngành có liên quan như: Sở Y tế, Sở Tài chính, BHXH tỉnh còn nghiên cứu các quy định của hàng loạt văn bản pháp luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật giá; Luật tổ chức chính quyền địa phương cùng các Nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập, cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập... Nếu Nghị quyết này được thông qua tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVIII thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Điều đáng nói là đối tượng đã có BHYT sẽ không bị tác động, ảnh hưởng của những quy định điều chỉnh giá dịch vụ y tế đợt này. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh đã đạt 84%. Như vậy, tỷ lệ người bị tác động bởi NQ này là 16%- một con số tương đối lớn. TS Nguyễn Huy Ngọc - Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Thực hiện theo Thông tư 02 thì nhóm bị điều chỉnh tăng cao nhất là dịch vụ khám bệnh và giường nằm, tăng trung bình từ 1,8 đến 2 lần nên tác động mạnh đến bệnh nhân điều trị nội trú, phải nằm viện dài ngày. Nhóm có mức điều chỉnh tăng thấp nhất là dịch vụ kỹ thuật và cận lâm sàng, mức tăng từ 16 - 25%. Song dù tăng cao hay thấp cũng đều tác động trực tiếp đến chi phí điều trị bệnh của một bệnh nhân. Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, từ tháng 3-2016 giá dịch vụ y tế đã tăng với đối tượng sử dụng thẻ BHYT khiến nhiều dịch vụ của nhóm đối tượng có BHYT cao hơn so với nhóm không có BHYT. Chính sự ra đời của Thông tư 02 với những quy định mới về khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc nhóm đối tượng và phạm vi thanh toán của BHYT sẽ tạo sự công bằng, bình đẳng hơn trong công tác khám chữa bệnh. Người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT sẽ cùng chịu một mức giá viện phí, người có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% tùy đối tượng, còn người không có BHYT sẽ phải tự chi trả 100% chi phí điều trị. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy những người chưa mua thẻ BHYT thấy mức độ, tầm quan trọng của BHYT để tự có những quyết định đúng đắn trong quá trình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân.

Mới đây nhất, theo thống kê của Bệnh viện đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh cho 1.000 -1.200 bệnh nhân, điều trị nội trú cho 1.500 - 1.700 bệnh nhân, trong số này tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ chiếm khoảng 70%. Như vậy còn 30% bệnh nhân phải bỏ 100% chi phí chữa bệnh vì không có thẻ BHYT và việc tăng giá các dịch vụ đối với người bệnh không có thẻ BHYT sẽ tiếp tục tác động mạnh hơn đến túi tiền của họ.

 

 

PTO
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...