Bệnh dại và công tác phòng chống bệnh dại
Cập nhật ngày: 10/07/2017 10:53
Bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường lây truyền qua các loài động vật hoang dại mà nhiều nhất là từ chó (83%), mèo (13,3%) qua vết cắn, cào cấu hoặc tiếp xúc trực tiếp với nước dãi con vật. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới hằng năm có khoảng 55.000 người chết vì bệnh dại. Những năm gần đây, tình hình bệnh dại có những diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận của Cục Y tế Dự phòng cả nước mỗi năm có gần 100 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếpxúc. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Các giai đoạn tiền triệu chứng của bệnh dại thường 1- 4 ngày, với biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập. Giai đoạn viêm não thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đôi khi có biểu hiện xuất tinh tự nhiên. Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng thượng và thể cuồng. Bệnh thường kéo dài từ 2 - 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

Tác nhân gây bệnh là vi rút dại (Rhabdovirus) thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Sức đề kháng của vi rút dại yếu, dễ bị bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong vòng 30 phút, ở 60 độ C/5 - 10 phút và ở 70 độ C/2 phút. Vi rút bị mất độc lực dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn ở nồng độ 2 - 5%. Trong điều kiện lạnh 40 độ C, vi rút sống được từ vài tuần đến 12 tháng, ở nhiệt độ dưới 00C sống được từ 3 - 4 năm. Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại. Tất cả loài động vật máu nóng đều có cảm nhiễm với vi rút dại ở mức độ khác nhau. Tính cảm nhiễm cao nhất là chó, chó sói, mèo, cáo rồi đến trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ, gấu, chuột. Trong đó, chó bị mắc bệnh nhiều nhất. Loài chim không mẫn cảm với bệnh dại, Cho đến nay, chưa biết được tính miễn dịch tự nhiên ở người.

Để phòng, chống dịch, người dân trước hết cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng. Thông qua tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, ung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là khi phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc; đến các cơ sở y tế Dự phòng để khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Theo khuyến cáo và hướng dẫn của Chi cục thú y, những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần. Để bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: cần dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc xin và HTKD. Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + HTKD phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại. Người dân cần vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi. Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Hiện nay, vắc-xin an toàn và hiệu quả cho con người và động vật là một trong những công cụ quan trọng hiện hữu để loại bỏ những trường hợp tử vong vì bệnh dại. Mỗi người dân cùng các ban, ngành chức năng hãy cùng chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại, với mục tiêu giám sát, điều tra, xử lý 100% ca bệnh dại phát hiện ở người; 100% số trường học và 100% xã, phường triển khai tiêm phòng bệnh dại; phấn đấu giảm số người chết do bệnh dại và đến năm 2020, không có người chết do bệnh dại./.

 

Ngọc Hà
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...