Lúc đầu, nhiều người cho rằng cách làm này không bình thường... Nhưng sau mọi người đều hiểu rằng đối với một công việc to lớn, khó khăn như vậy, có sự góp sức của các đồng chí lão thành cách mạng là tốt, là cần thiết. Và rất nhiều đồng chí lão thành cách mạng đã làm việc này đầy tinh thần trách nhiệm. Nhưng việc kiểm điểm kết quả như thế nào chủ yếu là sự tự giác của các đồng chí đang đảm nhiệm trọng trách.
Sau khi Nghị quyết được ban hành mấy tháng, một số người băn khoăn thấy tình hình "im ắng", cho rằng "rồi đâu lại vào đấy thôi".
Ðầu tháng 8 vừa qua, tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm. Ðây là một kết quả bước đầu đáng mừng. Bước đầu là hết sức quan trọng, nó tạo đà để đi tới. Nhưng nó vẫn là bước đầu, cần tiến hành tốt, có thể tốt hơn các bước sau, để cuối cùng chúng ta có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Nhưng cũng cần hiểu rằng, một cuộc chỉnh đốn Ðảng như Nghị quyết T.Ư 4 yêu cầu không phải là một việc dễ dàng, không thể làm xong trong vài ba tháng mà đây là cuộc đấu tranh tư tưởng, chính trị nội bộ to lớn, phải thực hiện trong một thời gian dài, có thể là vài ba năm, và sau này sẽ trở thành sinh hoạt thường xuyên. Vì như chúng ta hiểu, nhiệm vụ của Ðảng ngày càng nặng nề thì càng đòi hỏi bản lĩnh, năng lực của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, trước hết là cán bộ chủ chốt, ngày càng cao.
Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm, thì một khâu quan trọng trước mắt có phải là các đồng chí cần phải kiểm tra và đánh giá việc kiểm điểm đó, chỉ ra những vấn đề bức xúc, bức xúc nhất mà các đồng chí nhận thức được, đồng thời là những vấn đề mà các đồng chí lão thành cách mạng và nhân dân đặc biệt quan tâm? Có như vậy mới có thể quy trách nhiệm và tìm ra những biện pháp giải quyết. Ví dụ như những sai phạm ở một số tập đoàn kinh tế Nhà nước, vấn đề đầu cơ tài chính trong giới ngân hàng... là những vấn đề nổi cộm hiện nay, liên quan đến tệ tham nhũng, là một quốc nạn của nước ta. Không làm rõ nguyên nhân của tình hình trên thì khó tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà nước, tái cơ cấu các ngân hàng... Chúng ta ngày càng hiểu việc quản lý tài chính, tiền tệ... là một vấn đề "cốt tử" đối với đất nước. Ðây là xương máu của nhân dân, là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, làm sao có thể để thất thoát "vô tội vạ"? Cần phải rõ, minh bạch hóa vấn đề quản lý tài chính, quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Làm rõ không phải chủ yếu để xử lý bằng kỷ luật, pháp luật, mà quan trọng hơn là tìm được biện pháp sửa chữa và cùng nhau quyết tâm sửa chữa.
Có người sẽ đặt vấn đề: Nếu trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa thống nhất với nhau về những vấn đề mấu chốt và các biện pháp để kịp thời sửa chữa thì sao? Việc đánh giá tình hình, thống nhất phương hướng giải quyết không phải là việc dễ, một lúc có thể chỉ ra được hết, nhưng chúng ta tin tưởng với trình độ chính trị của các đồng chí cao nhất trong Ðảng và trách nhiệm của các đồng chí đối với Ðảng, đối với nhân dân thì chắc chắn sẽ đi đến đoàn kết nhất trí với nhau trên những vấn đề quan trọng nhất. Ở đây, vai trò của đồng chí Tổng Bí thư sẽ rất lớn, và để đi đến đoàn kết nhất trí, không có cách nào khác là phải căn cứ vào đường lối, chính sách, nguyên tắc của Ðảng. Ðường lối, chính sách và nguyên tắc đó là nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Ðảng, đất nước, không phải phục vụ cho nhóm lợi ích nào, hay cá nhân nào.
Một khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện sự phê bình và tự phê bình tốt chắc chắn sẽ tác động mạnh đối với tất cả các cấp ủy Ðảng, đảng viên. Mọi đảng viên ở cương vị của mình sẽ tích cực đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng Ðảng - nhiệm vụ then chốt cực kỳ quan trọng và cũng là cấp bách hiện nay của Ðảng ta và nhân dân ta.