Tại Miếu Lãi Lèn, từ hàng ngàn năm nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và vẫn đang được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của nhân dân. Việc thờ Vua của nhân dân địa phương tại miếu Lãi Lèn không chỉ thể hiện đức tin của người dân vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.
Nghi lễ dâng hương, tế các Vua Hùng được nhân dân làng Phù Đức thực hiện chính thức 3 lần trong năm, nhằm vào ngày âm lịch. Đó là vào dịp tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng 10/3 và ngày tiệc làng 12/9 hay còn gọi là tiệc Hoàn Cung– do ngày xưa, miếu nằm trong nội đê nên cứ vào mùa nước dâng cao, dân làng lại phải chuyển ngai Vua về đình tránh nước. Từ đó, cứ đến ngày này, nhân dân lại tổ chức rước kiệu Vua về Miếu, sau đó cả làng cùng nhau ăn tiệc, thụ lộc thánh và vui hội làng với những trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, đánh vật…tâm niệm cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.
Ông Lê Xuân Lục – thành viên đội tế cho biết: Ngày xưa, tiệc Hoàn Cung tại miếu Lãi Lèn luôn có nghi thức tế lễ và hát Xoan. Lễ tế phải có bánh nẳng và thịt bò đen tuyền hoặc bò vàng. Việc lấy thịt bò làm lễ cũng được ban khánh tiết thực hiện nghi thức rất cẩn thận như: phải xin mật khẩn lễ, sau đó lấy rượu tắm cho con bò trước khi lấy thịt...
Ngày nay, những người cao tuổi của Làng Phù Đức – xã Kim Đức luôn quan tâm đến việc dạy và học những hình thức diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để chuẩn bị cho mỗi kỳ lễ hội và gìn giữ truyền thống, Ban khánh tiết và đội tế phải giảng dạy, tập luyện các nghi thức thờ cúng cho những người kế tục. Cách đọc văn tế được chủ tế năm trước dạy cho chủ tế năm sau. Đối với nhân dân địa phương, tế lễ là một cách để thể hiện sự tôn thờ, sự kính trọng, biết ơn đến 18 chi đời các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và các đấng Thần linh, Thành hoàng, Thổ địa. Không chỉ thế, đó còn là tình người nồng ấm, thân thương, sự gắn bó xóm làng, quê hương, gắn kết người Việt trên khắp dải đất hình chữ S hội tụ về mảnh đất của cội nguồn dân tộc.
Với giá trị về lịch sử và văn hóa, Miếu Lãi Lèn được UBND tỉnh Phú Thọ cho đầu tư phục dựng hoàn thành năm 2017. Ngôi miếu mang hình chữ đinh, đầu đao góc mái. Những khung cột gỗ lim chắc chắn để mộc, không sơn, tạo nên sự ấm cúng. Hệ thống hoành phi và câu đối trong miếu Lãi Lèn được đục chạm, phủ hoàng kim cầu kỳ, tinh xảo; mang trên mình một ý nghĩa hay nói đúng hơn là một thông điệp gửi lại hậu thế rằng nơi đây là nơi thần giáng, nơi đất thiêng.
Bà Nguyễn Thị Tâm – chủ tịch UBND xã Kim Đức khẳng định: “miếu Lãi Lèn là sự tổng hòa của một di tích vừa liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đồng thời cũng là di tích gốc liên quan đến nguồn gốc ra đời của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghi lễ hát thờ, hát Xoan Phú Thọ. Ngôi miếu ngày nay không chỉ là không gian linh thiêng đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân Kim Đức mà còn là một công trình văn hóa, không gian văn hóa đẹp, đặc sắc”.
Trong việc bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của di tích, bên cạnh sự đầu tư, tôn tạo, khôi phục các lễ hội gắn với phát triển du lịch thì vai trò của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn hát xoan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đóng vai trò quyết định để miếu Lãi Lèn luôn là điểm đến của nhân dân mỗi khi hành hương về Đất Tổ.