Các bậc cao niên trong làng Phù Đức kể lại rằng: Từ thuở Vua Hùng dựng nước, khi đi tìm đất mở mang Kinh đô, Vua có đi qua thôn Phù Đức và An Thái dừng chân nghỉ trưa tại một khu rừng. Thấy lũ mục đồng (trẻ chăn trâu) vừa chơi các trò chơi như đánh vật, kéo co lại vừa hát những khúc ca nghe rất hay, Vua bèn bảo các lạc hầu, lạc tướng đem một số điệu múa, lời hát dạy thêm cho chúng. Để tưởng nhớ công ơn của đức Vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ vua, gọi là miếu Lãi Lèn – tên gọi bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Len là len hỡi là len...”. Từ đó, cứ đến 1 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, dân làng có tục cúng bánh nẳng và thịt bò ở miếu Lãi Lèn. Tương truyền, đây là hai món ăn mà dân làng đã dâng vua ngày ấy. Rồi từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng lại tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua, để trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền thủa nào, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hòa.
Tương truyền, miếu Lãi Lèn thờ Tam vị thánh vương, đó là Viễn Sơn đại vương, Ất Sơn đại vương và Áp Đạo quan đại vương.
Kết cấu của miếu Lãi Lèn theo chữ Đinh truyền thống với bộ khung vì và các cấu kiện gỗ bằng gỗ lim, táu mật, mái lợp ngói mũi truyền thống, nội thất đồ thờ bao gồm long ngai, hoành phi, câu đối, diềm cửa võng…Các hạng mục chính của miếu gồm: tiền tế, hậu cung, tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu. Về tiền tế và hậu cung mái lợp ngói mũi hài, nhìn về hướng Đông Nam. Hai tòa nhà kia được xây dựng kiểu 5 gian. Nét nổi bật ở miếu đó là bức bình phong bằng đá dài 7,6m đặt phía trước, hai mặt đá trang trí quấn thư, hổ phù.
Ngoài ra trong khuôn viên khang trang của di tích có Nhà trưng bày nghệ thuật hát Xoan khá hiện đại với đầy đủ tiện nghi và trưng bày khoa học, được coi là một bảo tàng duy nhất về hát Xoan Phú Thọ. Đây được coi là nơi vừa giới thiệu, vừa có thể trình diễn về hát Xoan phục vụ du khách.
Ngôi miếu Lãi Lèn là một minh chứng cho sự gắn kết giữa quá khứ xa xăm và thời hiện đại. Do sự tàn phá của chiến tranh ngôi miếu cổ nay không còn nhưng lời hát, điệu múa không mất đi, thậm chí trải qua nhiều thế kỷ, hát Xoan vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân vùng Xoan.
Để hát Xoan trở lại với không gian diễn xướng xưa, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư phục dựng di tích miếu Lãi Lèn trên nền móng của ngôi miếu cũ. Miếu được xây dựng công phu với tổng diện tích gần 3.000m2, công trình gồm Miếu, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà Trưng bày nghệ thuật truyền thống hát Xoan. Từ khi miếu Lãi Lèn được khôi phục lại, rất đông đảo người dân và du khách đã tìm về Miếu Lãi Lèn, xã kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ để nghe hát Xoan trong hội Đền Hùng./.