Trong 10 ngày, từ 19/3 đến 29/3/1947, Bác đã về ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Văn Sỹ, xóm Hoè, xã Chu Hoá. Tại đây, Người đã trực tiếp soạn thảo, đánh máy, ký ban hành nhiều văn bản quan trong như : Ký 8 Sắc lệnh liên quan đến tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, đảm bảo quyền tự do của nhân dân;điện chúc mừng Hội nghị liên Á, viết thư trả lời các nhà báo Pháp tại Việt Nam; gửi thư cho báo Vệ quốc quân nói về 12 điều răn với chiến sỹ Vệ quốc quân, hoàn thành tác phẩm “Đời sống mới”. Đặc biệt tại đây, Bác đã có điện văn gửi đồng bào miền Nam sau đúng 100 ngày thực hiện lời kêu gọi “ Toàn quốc kháng chiến” của Bác.
Trong cuốn tài liệu Lịch sử Đảng bộ xã Chu Hóa thì những ngày Bác ở đây, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng…thường xuyên đến làm việc và xin chỉ thị của Bác. Do phải giữ bí mật nên những ngày ở Chu Hóa, Bác không trực tiếp gặp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, nhưng thông qua những cán bộ phục vụ, Bác hiểu rõ tình hình của xã, kịp thời động viên những mặt làm tốt, chỉ bảo những việc làm chưa tốt của cán bộ và nhân dân địa phương.
Tại khu nhà trưng bày các kỷ vật về Người còn lưu giữ đôi chõng tre, một chiếc mâm gỗ cùng một chiếc sập gỗ. Đây là những đồ dùng của nhà ông Nguyễn Văn Sỹ mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong thời gian ở Chu Hoá.
Di tích lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh là công trình lịch sử, văn hóa quý giá để ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là công trình giáo dục truyền thống cách mạng, và cũng là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân xã Chu Hoá nói riêng và của tỉnh Phú Thọ nói chung.
Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1999./.