Việt Trì không những là thành phố trung tâm của tỉnh mà còn là vùng đất phát tích, còn nguyên những giá trị, dấu tích vật thể và phi vật thể của thời đại Hùng Vương, là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là thành phố của 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Trên cơ sở đặc điểm, thế mạnh của địa phương gắn với những định hướng, giải pháp hợp lý, thời gian gần đây, du lịch của thành phố Việt Trì đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm (2012-2017), hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều đã hoàn thành đạt và vượt. Lượng du khách đến với Việt Trì ngày càng tăng. Nếu như năm 2013,lượng khách tham quan đạt hơn 6 triệu khách, lượng khách lưu trú đạt 199 nghìn lượt khách/năm (trong đó khách quốc tế đạt 3,2 nghìn lượt khách) thì đến hết năm 2017, lượng khách tham quan đạt hơn 8 triệu khách, lượng khách lưu trú đạt 335 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 6,5 nghìn lượt khách). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018: lượng khách tham quan đạt hơn 7 triệu khách, lượng khách lưu trú đạt 250 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 4,5 nghìn lượt khách).
Ông Nguyễn Văn Vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì khẳng định: Trong giai đoạn 2012-2017, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của thành phố Việt Trì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển ngành du lịch; trọng tâm là đẩy mạnh khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch của địa phương. Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 21/12/2012 của Ban thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch thành phố Việt Trì đến năm 2020 và Nghị quyết số 31/2012/NQ- HĐND của HĐND thành phố khóa XIX về “Kế hoạch phát triển du lịch Thành phố Việt Trì đến năm 2020” là cơ sở quan trọng cho việc huy động các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho phát triển du lịch ở Việt Trì.
Bê cạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, Việt Trì đã tập trung hoàn thành các cơ sở hạ tầng làm điểm nhấn cho phát triển các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách như: Công viên Văn Lang với tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng giai đoạn I, II với nhiều hạng mục (khu Lạc Long Quân- Âu Cơ, khu Sơn Tinh- Thủy Tinh, sân khấu, khu biểu tượng thuyền chải, các tác phẩm tượng điêu khắc, đường dạo ven hồ, hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng, sân khấu); Khu vực Quảng trường Hùng Vương với tổng diện tích 24,119 ha. Các dịch vụ đã và đang được hình thành thuộc khu Đồng Gia như: Dịch vụ ăn uống, giải khát, mua sắm, lưu trú, chợ, không gian cảnh quan khu vực Quảng trường rất thuận lợi để hình thành tổ hợp các dịch vụ khép kín của phố đi bộ. Các tuyến đường nối từ đường Hùng Vương vào khu tái định cư Đồng Ngược, Đồng Gia...tổ hợp khu nhà ở cao cấp và Khách sạn Mường Thanh, trung tâm thương mại Vincom, trung tâm tổ chức sự kiện Sen Vàng, Chợ thành phố...đã được hoàn thiện, tạo ra các chuỗi giá trị trong phát triển du lịch
Cùng với đó, thành phố Việt Trì đặc biệt quan tâm đến công tác phục dựng các lễ hội truyền thống, các trò diễn dân gian, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như: Ông Khiu- bà Khiu, Lễ hội Rước giải- hóa giải (ở Thanh Đình); Lễ hội cướp bông- ném chài ở đền Vân Luông (phường Vân Phú); Lễ hội Làng Hùng Lô (xã Hùng Lô); Vua Hùng dạy dân cấy lúa (phường Minh Nông), lễ hội Chạy kem (ở xã Chu Hóa)…
Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 40 lễ hội truyền thống. Thời gian qua, thành phố đặc biệt quan tâm hướng dẫn các phường, xã phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống và lễ hội cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một, làm phong phú thêm nội dung các lễ hội. Kết hợp việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống với các hoạt động quảng bá du lịch.
Thành phố Việt Trì đã chủ động có những biện pháp khai thác, phát huy phù hợp. Với sản phẩm du lịch Việt Trì hiện nay là “Du lịch tâm linh gắn với di sản văn hóa”, thành phố đã tập trung xây dựng 9 điểm trong 3 tua du lịch “City tour Việt Trì” gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Làng cổ và đình cổ Hùng Lô, Miếu lãi Lèn và các địa điểm trình diễn Hát Xoan làng cổ; khai thác và phát triển tuyến du lịch quốc tế đường sông tham quan và nghe Hát Xoan tại đình Hùng Lô...đã được công bố và đưa vào sử dụng đang dần thu hút hàng vạn du khách khi đến với vùng Đất Tổ.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giữ gìn và phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân được quan tâm đẩy mạnh. UBND thành phố đã chỉ đạo đưa hát Xoan vào giảng dạy và sinh hoạt ngoại khóa ở 100% các trường học. Trong 5 năm, các phường, xã và các nghệ nhân hát Xoan đã mở được 95 lớp truyền dạy, tập huấn hát Xoan. Thành lập mới và duy trì hoạt động với 9 CLB hát Xoan và dân ca cấp tỉnh; 01 CLB cấp Thành phố, 23 CLB cấp phường, xã, 31 câu lạc bộ hát xoan măng non, 19 câu lạc bộ hát Xoan thanh niên với tổng số gần 4.000 thành viên tham gia. Đến nay toàn thành phố đã có 17 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 44 nghệ nhân được UBND Tỉnh tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ. Năm 2017 thành phố đề nghị Chủ tịch nước xét tặng 06 nghệ nhân nhân dân, 07 nghệ nhân ưu tú.
Việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch cũng đã có những bước chuyển biến tích cực, có trọng tâm trọng điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan, sản phẩm, ấn phẩm, với 4.000 bản tiếng việt, 650 bản tiếng anh, 185 bản đồ di sản…, qua đó giúp hình ảnh du lịch Việt Trì được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số31/2012/NQ- HĐND đã đề ra về Kế hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, tạo sự đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra, trong thời gian tới, thành phố Việt Trì sẽ tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch, có các cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại chất lượng, đa dạng, phong phú... đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo;phát huy giá trị các lễ hội hiện có và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống. Thực hiện phục dựng có chọn lọc một số lễ hội đã mai một nhằm giữ gìn và phát triển di sản văn hoá đặc sắc thời đại Hùng Vương. Tập trung đào tạo các hướng dẫn viên, thuyết minh viên, cộng tác viên làm du lịch, dịch vụ mang tính bán chuyên và chuyên nghiệp, đồng thời đáp ứng được các tiêu chí đặc trưng riêng của thành phố du lịch, lễ hội (Thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ). Xây dựng các điểm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch “City tour Việt Trì” trở thành sản phẩm Tour du lịch đặc sắc, kết nối tour nội tỉnh, liên vùng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khai thác tốt, có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh phong phú của thành phố Việt Trì để những giá trị của sản phẩm du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Việt Trì- Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đó chính là cơ sở giúp du lịch Việt Trì phát triển, thực sự có nhiều gam màu tươi sáng hơn trong tương lai./.