Đình Cổ Tích còn lưu giữ được bản thần tích và các sắc phong cho dân Hy Cương làm Trưởng tạo lệ trông nom Đền miếu Hy Cương. Theo tục "con trưởng tạo lệ", Đình Cổ Tích là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên Đền Thượng vào ngày mùng 5, 8, 9, 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, hàng năm tại Đình còn diễn ra 6 kỳ lễ chính: Lễ cầu an năm mới, lễ cầu vào hạ, lễ hạ điền, lễ cúng cơm mới, lễ tạ ơn, báo lễ Vua Hùng... không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà còn là điểm dừng chân của du khách thập phương mỗi khi về thăm Đền Hùng.
* Các ngày hành lễ chính (tính theo âm lịch) tại Đình Cổ Tích:
- Ngày 4 tháng 1: Lễ đầu xuân hay lễ cầu Đinh (Diễn ra theo phong tục lễ Tế, lễ khai ấn Vua Hùng đầu năm)
- Ngày 5 tháng 3: Tổ chức lễ rước kiệu dâng hương thành phố Việt Trì khai hội Đền Hùng.
- Ngày 10 tháng 3: Tổ chức lễ rước kiệu phục vụ Nhà nước, tỉnh Phú Thọ dâng hương tại Đền Hùng theo nghi thức Quốc gia cùng lễ dâng hương tại Đình Cổ Tích.
- Ngày 12 tháng 3: Lễ Xuân thu – Nhị kỳ
- Ngày 12 tháng 5: Lễ thường tân (Lễ dâng cơm mới lên Quốc Tổ)
- Ngày 12 tháng 8: Lễ Thu xuân – Nhị kỳ
- Ngày 12 tháng 10: Lễ thường tân (Lễ dâng cơm mới lên Quốc Tổ)
- Ngày 25 tháng 12: Lễ tất niên (Lễ tạ hết năm dâng lên Quốc Tổ)
Đình Cổ Tích không chỉ là nơi nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, hun đúc truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hướng về nguồn cội tổ tiên, qua những tập tục, nghi lễ được tổ chức tại Đình đã góp phần khơi gợi những giá trị văn hóa đặc trưng, tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.