Thời các vua Hùng dựng nước, truyền được 18 đời rồi theo mệnh trời mà hết. Ở Trung Quốc là các triều đại Đông hán, Tây Hán, Tấn,Tề, Lương, Đường, Tùy. Ở Việt Nam nối đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, bốn họ ấy đều theo truyền thống cũ mà luôn bồi đắp khai sáng cho nước hùng cường vậy. Trong đó có triều vua Lý Cao Tông húy là Long cán, là em vua Anh Tông và con thứ sáu vua Lý Chiêu Tông. Tương truyền thời Cao Tông trị vì đất nước thì chăm lo nền văn hiến, ngoài thì phòng bị biên thùy nên rất thịnh trị, bình an cùng Trung Quốc.
Thời ấy ở huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, Đạo Hải Dương (xưa gọi là Hồng Châu, tục gọi là Kim Môn), tại chợ Hồng có một ông họ Cải (Khải) húy là Lương Kỳ Tiên, là dòng dõi phong lưu. Ông lấy vợ ở đất ấy, húy là Lê Thị Nhi, cũng là con nhà quyền quý trâm anh, thật là môn đăng hộ đối. Ông lại còn biết xem tinh, y, ly, số… Từ đấy vợ chồng làm ăn sinh sống rất là phú quý, đầy đủ, luôn luôn làm điều thiện, nửa điều ác cũng không làm, không hề một chút gì hại người, một điều nhỏ làm lợi cho mình cũng không làm dù chỉ trong suy nghĩ. Người ở đất ấy đều bảo rằng nhà ấy làm những việc thiện hẳn là có thừa, chỉ hiềm một nỗi ông bà tuổi đã cao mà không có con trai. Một hôm, ông bèn sắm sửa lễ nghi tiền bạc ăn đường cùng bà đi du ngoạn các danh sơn thắng cảnh, các miếu động linh thiêng vào đó mà làm lễ cầu đảo, mong sao cho được âm phù ban phúc. Sau đó hai ông bà trở về nhà. Đêm đó, bà Lê Thị Nhi ở trong phòng đến cuối canh ba thì bỗng nhiên mộng thấy chồng vào, bà lấy làm đắc ý lắm, sau mới biết là mộng liền kể cho chồng nghe. Ông bảo rằng: đây ắt hẳn là điềm tốt. Từ đấy bà Lê Thị Nhi có thai, đến ngày mùng 10 tháng giêng năm Nhâm Dần bà sinh ra một bọc hai con, thiên tư khác thường, thân hình đẹp lạ. Ông vô cùng mừng rỡ, yêu quý mà nói rằng: Phúc đã trùng lai, trời dành cho đó nên ông nuôi dưỡng hai con rất là cẩn thận. Thấm thoắt đã được ba năm, ông liền đặt tên cho hai con là: Hộ Tống và Bô. Khi bảy, tám tuổi thì hai ông đi học. Đến 16 tuổi thì học lực rất tinh thông, thông tư uyên bác, thuộc hết binh thư, võ nghệ cao cường.
Hồi ấy giặc dã nhiều nơi nổi lên hoành hành quân đội triều đình không tài nào dẹp được. Vua lấy làm lo lắm liền cử hai ông mang hơn ba ngàn tinh binh đi tuần du các đạo, dẹp bọn giặc loạn, đồng thời phủ dụ dân lành chiêu mộ thêm binh lính. Ngay hôm ấy hai ông nhận lệnh lên đường. Quân tiến đến địa đầu trang Nỗ Lực, huyện Phù Khang, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, nơi có ngôi miếu mộ, hai ông cho quân trú trong miếu rồi cho lập một đền ở đấy. Sáng hôm sau phu lão nhân dân trang Nỗ Lực đều cùng nhau đến làm lễ và xin làm thần tử, hai ông đồng ý lại tuyển chọn trong khu trang được 15 người cường tráng làm gia thần. Sau đó trời đất lại thanh quang. Thấy vậy, binh sỹ, nhân dân, gia thần đều kinh hãi bèn làm biểu tấu về triều đình lúc ấy là vua Thái Tông. Vua liền xuống chiếu, chiêu hồi hai ông về triều phụng mệnh rồi cho mở tiệc khánh hạ gia phong tướng sỹ, tùy theo công trạng mà ban thưởng. Binh sỹ cùng nhân dân, gia thần thấy hai ông đã hóa liền trở về lập đền mà phụng thờ.
Sau khi hai ông Hộ Tống và Bô hóa thân, nhân dân đã lập hai đền thờ riêng sau đó mới làm đình thờ chung hai vị. Vị trí của Đình là ở ngoài sông nhưng do bị lũ lụt đất lở dần cho nên phải di chuyển ba lần từ chỗ này sang chỗ khác và lần thứ 4 thì vào vị trí hiện nay. Năm 1959 Đình được tu sửa và làm nhỏ lại chỉ còn hậu cung rồi tiếp tục sửa chữa vào các năm 1971,1982,1993.
Theo tập quán cổ, hàng năm ở đình Nỗ Lực có hai ngày tiệc chính:
+ Ngày 10 tháng Giêng âm lịch là ngày sinh thần (Tế xuân).
+ Ngày 25 tháng 8 âm lịch là ngày hóa thần (Tế thù).