Đình An Thái nhìn theo hướng Đông - Bắc, có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất(-) gồm một tòa, 3 gian, 2 dĩ có chiều dài 18,40m, rộng 13,0m, với tổng diện tích là 239,2m2, kết cấu bộ khung gỗ làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền, thượng thu hạ khách. Đình làm theo kiểu 6 hàng chân, với tổng số 36 chiếc cột gỗ, trong đó có 4 cột cái, 12 cột quân và 20 cột hiên, toàn bộ cột, xà ngang, dọc ăn mộng với nhau tạo thành 1 bộ khung chắc khỏe. Đình có kiểu nhà 4 mái, tạo ra 4 góc giao nhau và uốn cong lên tạo ra 4 đầu cong vút, tạo cảm giác duyên dáng cổ kính. Đình được xây dựng vào thời Hậu Lê khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, đến năm Bảo Đại thứ 12 năm 1936 ngôi đình được trùng tu lớn, đến khoảng tháng 8 năm Canh Thìn (1940) thay mái lá cọ bằng lợp ngói Hưng Ký, bỏ sàn gỗ, xây tường bao xung quanh, đồng thời xây cổng, cột đồng trụ....
Năm 2015, Đình được tu bổ, tôn tạo như hiện nay tuy nhiên các mảng trang trí mỹ thuật được bố trí hợp lý, hài hòa với kiến trúc, nội dung miêu tả “Rồng ổ”, đề tài “Tứ linh” với cảnh thiên nhiên biểu tượng con người hòa đồng với vũ trụ....., các bức chạm điêu khắc mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ 18 vẫn được bảo tồn, hiện trong đình vẫn giữ được các cổ vật như: Ngai thờ, mũ bình thiên, hia, lư hương bằng gốm, lư hương bằng đất nung đều mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, đặc biệt là 05 đạo sắc thời Nguyễn gồm: 01 sắc Gia Long thứ 9(ngày 21/8/1810), 02 sắc Thiệu Trị thứ 2 (tháng 9/1842), 01 sắc Minh Mệnh thứ 21 (năm 1840), 01 sắc Duy Tân thứ 10 (năm 1918). Ngoài ra còn có 1 số đồ thờ bằng gỗ có niên đại thời Nguyễn như Đài rượu 4 cái, ống hương 2 cái, 1 bảng đọc trúc, 1 hòm sắc, hậu bành, kiệu bát cống.
Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội làng vào các ngày mồng 1 tháng Giêng: Tiệc cầu đinh có hát Xoan và tổ chức các trò chơi dân gian và ngày mồng 9 tháng 9 (ÂL) tế lễ, vật cúng tế gồm có xôi gà, cỗ chay, hoa quả.... Ngoài ra lễ tiệc còn được tổ chức vào ngày 10/3 (ÂL).
Năm 2006 Đình An Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia./.