Đền Thượng toạ lạc trên đồi cao, bằng phẳng giữa trung tâm làng Thuỵ Vân. Đền quay theo hướng Tây, xung quanh Đền là khu dân cư ở và vườn cây xanh tươi. Nhìn từ xa, mặt bên của đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J). Từ ngoài vào là một sân gạch rộng rồi đến toà tiền tế, toà hậu cung. Các bức chạm ở toà hậu cung đều được đục chạm công phu điêu luyện mang dấu ấn nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII).
Đền Thượng còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí có giá trị nghệ thuật, lịch sử gồm: đồ giấy, đồ gỗ. Đồ giấy còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong: Sắc phong thời Quang Trung thứ 3 (Năm 1790), Sắc phong thời Cảnh Thịnh nguyên niên (Nam 1793), Sắc phong thời Thiệu Trị (Nam 1846), Sắc phong thời Tự Đức (Năm 1850), Sắc phong thời Tự Đức tam thập tam niên (Năm 1880), Sắc phong thời Khải Định cửu niên (Năm 1924). Đồ gỗ có cỗ ngai thời Lê được sơn son thếp vàng...
Ngoài ra còn có: Kiệu bát cống, bộ chấp kích, án gian, 1 sập thờ. Đồ đồng có: 1 đỉnh đồng, 4 cây đèn. Đồ gốm sứ có một bát hương.
Hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức ngày giỗ vị tướng Lân Hổ tại đền Thượng (ngày chính tiệc). Ngày 3 tháng Giêng là ngày giỗ Thánh Mẫu (mẹ Lân Hổ ). Ngày 1 tháng 8 tổ chức rước kiệu từ đền Thượng ra Đình để tế lễ và tổ chức trò chơi diễn tả lại tích xưa của vị tướng Lân Hổ. Ngoài ra hàng năm vào ngày chính tiệc (10/Giêng) các cụ trong làng còn tổ chức đem lễ vật vào lăng Dục Mỹ (Cao Mại) nơi Lân Hổ hoá để tế lễ.
Đền Thượng, xã Thuỵ Vân là di sản văn hoá quí có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Đây là nơi tưởng niệm một nhân vật lịch sử là Lân Hổ - người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỷ XVIII. Đồng thời nơi đây còn lưu giữ được nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đền Thượng đã đóng góp một phần tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta./.