Rác thải sinh hoạt thực sự đang là điểm nóng ở nhiều vùng nông thôn. Không chỉ dọc các tuyến đường liên xã, mà xen lẫn trong các khu dân cư, những bãi đất trống, tình trạng vứt rác bừa bãi, không có đơn vị chức năng quản lý, thu gom diễn ra thường xuyên, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm cục bộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống của người dân. Khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Việt Trì đã thành lập Ban chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, phân công cụ thể cho các thành viên để trực tiếp chỉ đạo trên địa bàn từng xã. Mỗi năm, thành phố dành hơn 1 tỷ đồng tiền ngân sách cho công tác vệ sinh môi trường tại khu vực nông thôn của thành phố.
Tại các xã, nhằm giải quyết những khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt do nằm ngoài phạm vi hoạt động của công nhân và xe của Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì, bằng nguồn ngân sách của địa phương, cùng sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân, các xã đã thành lập nên các đội tự quản thu gom rác thải. Hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, mỗi đội tự quản thu gom rác thải tại các địa phương thường có từ 7 đến 10 người, phương tiện thu gom chủ yếu bằng xe vận chuyển rác, xe cải tiến, cùng một số vật dụng thiết yếu khác. Được biết, để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, dưới với sự hỗ trợ của thành phố, Đảng ủy, chính quyền các địa phương còn tổ chức xây dựng các điểm tập kết rác tại các khu vực thuận tiện, cũng như hợp đồng với Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì trong việc vận chuyển, xử lý rác thải. Bà Nguyễn Thị Tâm – khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì cho biết: “Từ khi có đội tự quản thu gom rác thải, ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ vứt, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, nay bà con đã biết đổ rác vào thùng, tập kết rác đúng nơi quy định, cũng như đổ rác đúng giờ theo tiếng kẻng của người đi thu gom rác”.
Bên cạnh hoạt động của các đội tự quản thu gom rác thải, công tác vệ sinh môi trường tại các xã, đặc biệt là khu vực nông thôn đã có sự chung tay, vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương. Bằng các hình thức tuyên truyền như: treo băng zôn, khẩu hiệu tại các địa điểm công cộng… hay tổ chức các hội nghị truyền thông, những tác hại của việc xả rác bừa bãi, cũng như lợi ích của việc bảo vệ môi trường sống đã được các tổ chức đoàn thể xã hội cung cấp cụ thể đến từng người dân, giúp nhân dân có nhận thức đúng, đủ trong công tác giữ gìn vệ sinh. Cùng với đó, nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực đã được xây dựng mà điển hình như mô hình “Phân loại rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ tại khu dân cư” của Hội LHPN xã Trưng Vương; hay mô hình “sạch đồng”, mô hình “đoạn đường tự quản”… với sự tham gia của 3 tổ chức đoàn thể gồm: Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ. Từ các mô hình trên, những buổi ra quân “ngày thứ 7 tình nguyện”, “chủ nhật sạch” được tổ chức thường xuyên, gắn với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với các hoạt động như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương, giải tỏa những điểm tập kết rác sai quy định… đã thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, cùng sự chung tay, vào cuộc tích cực của toàn thể nhân dân, nhiều năm trở lại đây, trên những con đường liên thôn, liên xóm ở nhiều xã trong thành phố, tình trạng vứt rác bừa bãi đã giảm nhiều so với trước, môi trường sống của người dân được cải thiện đáng kể, góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng thành phố văn minh, văn hóa.