Cập nhật ngày: 12/01/2020 11:01
Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về ATTP giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 712.960 cơ sở/năm; số cơ sở bị xử lý là 55.207 cơ sở/năm; số tiền xử phạt trung bình là 187,8 tỷ đồng/năm. Cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Cơ quan chức năng đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 2.000 người mắc, 1.918 người nhập viện và 8 trường hợp tử vong (giảm 32 vụ, 1.478 người mắc và 9 người tử vong so với năm 2018)…
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất với công tác ATTP là sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn chiếm ưu thế gây ra nhiều nguy cơ về mất ATTP; việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư còn nhiều khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn…
Thành phố Việt Trì hiện có 2.170 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống các loại. Thời gian qua, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về đảm bảo ATTP, tổ chức 53 lớp tập huấn về VS ATTP; thực hiện cấp 2.021 giấy xác nhận kiến thức về ATTP, 503 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức ký cam kết đối với 22 bếp ăn bán trú, 636 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.034 lượt cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 3.825 lượt đối với các lễ cưới hỏi, ma chay… Từ năm 2016 đến nay, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm đã xây dựng thành công nhiều mô hình về bảo đảm thức ăn đường phố tại các xã, phường trên địa bàn; tiến hành kiểm tra 4.822 lượt cơ sở, xử lý 1.062 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 273 triệu đồng…
Những năm tiếp theo, thành phố Việt Trì dự kiến sẽ có nhiều chính sách trong phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm theo hướng sản xuất lớn, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn; khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP cho các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân…/.