Vợ anh Viên lén gạt những giọt nước mắt, quay đi không dám nhìn cán bộ thú y chích điện giết những con lợn còn sót lại và lực lượng hỗ trợ đang chuyển những con đã chết lên xe để đem đi tiêu hủy. Cứng rắn hơn vợ nhưng anh Viên cũng ngơ ngẩn vì chưa tin những gì đang xảy ra với trại lợn của mình, anh tâm sự: Hơn 14 năm nuôi lợn, cũng đã từng dính các loại dịch bệnh như tai xanh, lở mồm, long móng, dịch tả… nhưng chưa bao giờ gia đình tôi thiệt hại nặng như đợt này. Đàn lợn 142 con đủ các loại, trong đó có hơn chục con nái đang sắp đẻ phải tiêu hủy toàn bộ. Anh Viên cũng cho biết thêm: Từ khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tôi và các hộ chăn nuôi trong xã đã được thú y xã, cán bộ thú y thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch và tuân thủ khá nghiêm. Nhưng do chủ quan nên tôi vẫn lấy thực phẩm thừa ở các quán ăn, nhà hàng… về làm thức ăn cho đàn lợn bởi suy nghĩ mình xử lý qua hệ thống nồi hơi nên không bị ảnh hưởng mà không nghĩ đến lý do vi rút có thể tồn tại ở xe vận chuyển, thùng chứa thực phẩm. Nguyên nhân lây bệnh có lẽ chính là ở đây. Theo báo cáo, ngày 12 - 5, đàn lợn của gia đình anh Viên có những dấu hiệu như bỏ ăn, sốt cao, nằm liệt. Gia đình đã báo với thú y xã để báo lên Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đồng thời tiến hành điều trị bằng cách tiêm kháng sinh, thuốc bổ và một số loại thuốc khác nhưng không có hiệu quả. Đến ngày 14- 5, con lợn đầu tiên bị chết, gia đình đã báo để cán bộ thú y thành phố xuống lấy mẫu gửi xét nghiệm, chiều ngày 15 - 5 kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Sau khi nhận được thông tin, UBND xã Trưng Vương đã lập tức tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm tránh dịch lây sang các hộ khác. Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi biết lợn nhà anh Viên bị nhiễm bệnh, chúng tôi đã lập tức cử các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của xã tiến hành các biện pháp cách ly khu vực trại chăn nuôi, báo cáo với UBND thành phố để xin ý kiến chỉ đạo, cử khuyến nông viên đi cùng các trưởng khu đến từng hộ chăn nuôi để thông báo tình hình. Chúng tôi cũng cử lãnh đạo xã cùng cán bộ địa chính tìm địa điểm tiêu hủy đảm bảo xa khu dân cư và chuồng trại của các hộ khác để chôn lấp, đồng thời huy động lực lượng dân quân, công an xã và thuê thêm một số người dân để giúp gia đình thu gom, vận chuyển lợn đi tiêu hủy. Tuy nhiên, do đang vào vụ gặt nên việc huy động lực lượng gặp rất nhiều khó khăn dù đã phải thuê người ngoài.
Tính đến ngày 17-5, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại 6 hộ thuộc 4 phường, xã gồm phường Minh Nông (1 hộ); xã Trưng Vương (2 hộ); xã Sông Lô (2 hộ) và phường Bạch Hạc (1 hộ). Tổng số lợn bị tiêu hủy, chôn lấp là 578 con các loại. Ngày 16-5, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì đã ban hành Quyết định số 1373/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Trưng Vương và có văn bản chỉ đạo các xã, phường, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, các xã, phường đã thông tin cụ thể tình hình dịch bệnh đến từng người chăn nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền yêu cầu người chăn nuôi kiên quyết không tái đàn, không sử dụng thực phẩm thừa từ các nhà hàng, quán ăn… Để làm thức ăn cho lợn; tiếp tục tăng cường khử trùng tiêu độc bằng hóa chất và vôi bột tại các khu vực chăn nuôi, chợ, lò giết mổ, bếp ăn tập thể sau mỗi ca; giám sát chặt chẽ khu vực chôn lấp lợn bệnh; hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi; đặc biệt là những người đi ra từ vùng có dịch; tăng cường kiểm soát, kiểm dịch các phương tiện vận chuyển tại các nút giao thông quan trọng; các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi bám sát địa bàn được phân công, kịp thời báo cáo tình huống để có biện pháp xử lý; các hộ chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt cam kết “5 không”…
Tổng đàn lợn của thành phố Việt Trì hiện có trên 19 nghìn con, tập trung chủ yếu ở các xã, phường: Chu Hóa, Sông Lô, Bạch Hạc, Thanh Đình, Kim Đức. Hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ở các địa phương trên là rất lớn, nhất là ở các xã đã có dịch. Do vậy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt để các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống bệnh dịch để hạn chế đến mức tối đa khả năng lây nhiễm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.