Cập nhật ngày: 22/05/2019 15:13
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát tại 34 tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng lây lan rộng, diễn biến ngày càng phức tạp. Thành phố Việt Trì hiện có 1.176 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn là 19.638 con, trong đó có 2.008 con lợn nái, lợn thịt là 11.816 con, số lợn đực giống là 55 con, lợn con theo mẹ là 5.759 con. Tính đến nay, Việt Trì đã có 7/23 xã, phường có dịch tả. Ngày 16/5/2019, thành phố đã có quyết định công bố dịch tả Châu Phi trên địa bàn xã Trưng Vương, xã Sông Lô, Bạch Hạc, đồng thời có văn bản chỉ đạo các xã, phường và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch, chôn, tiêu hủy toàn bộ số lợn với 593 con, tổng trọng lượng trên 50.749,3kg. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; Thành lập các chốt kiểm dịch; Phối hợp với Chi cục chăn nuôi và Thú y tập huấn công tác phòng chống dịch tả Châu Phi cho lãnh đạo, cán bộ khuyến nông phụ trách thú y của 23 xã, phường; các hộ buôn bán thuốc thú y và hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại diện các xã, phường đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống và dập dịch; những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như những đề xuất cụ thể.
Đồng chí Lê Hồng Vân – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai duy trì công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Các chốt kiểm dịch cần bố trí nhân lực, trang thiết bị bảo hộ, sổ sách ghi chép, thuốc phun khử trùng đầy đủ. Các đơn vị cần báo cáo nhanh trong ngày về thành phố về tình hình dịch tả lợn của địa phương mình. Khi có lợn bị dịch, cần tiêu hủy, xử lý bằng cách chôn tại chỗ (với các trang trại), hộ gia đình nhỏ lẻ cần tìm vị trí hợp lý, không được mang ra địa bàn khác và phải được xử lý đúng theo quy định.
Các thành viên, đơn vị cần nghiêm túc vào cuộc, xác định chống dịch như chống giặc. Đồng thời cần kiểm soát các trường hợp bán thịt rong, hạn chế đến mức thấp nhất các tác nhân lây lan dịch bệnh. Những đơn vị bị uy hiếp và chưa có dịch, cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục, hạn chế xuất chuồng đàn lợn; xử lý triệt để chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ để tránh phát tán dịch bệnh ra môi trường./.