Trải hầu khắp các làng quê vùng bán sơn địa ven các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đà, tại hàng trăm di tích đền, đình, miếu, người dân các thế hệ trao truyền cho nhau các hình thức thực hành tín ngưỡng tôn vinh và tưởng nhớ các Vua Hùng, với ý tưởng hướng về cội nguồn, mà nơi tâm điểm thực hành chính nghi lễ từ xưa tới nay được quy tụ về các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh, biến nơi đây trở thành không gian thiêng, độc đáo nhất trong không gian sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, nhìn dọc theo tiến trình lịch sử nhiều nghìn năm, quá trình cộng cảm, cộng trí của các thế hệ cư dân đã hun đúc cho truyền thống sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng sự liên kết, giữ vị thế cho cộng đồng luôn là chủ thể sáng tạo, tự nguyện gìn giữ và chuyển giao cung cách thực hành tín ngưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác, để từ đó tạo sức lan tỏa, cuốn hút, quy tụ, trở thành tín ngưỡng tâm linh chung của cả dân tộc, có sức sống mãnh liệt vượt qua thời gian đến hôm nay.
Cuốn Ngọc phả Hùng Vương viết vào năm Hồng Đức Nguyên niên (1470), do Hàn lâm viện Trực học sỹ Nguyễn Cố phụng soạn (sao lại năm Hoàng triều Hoằng định nguyên niên (1600) có ghi: “Cấp ruộng 500 mẫu thôn ấy là làng Hy Cương, lại cấp cho tô thuế ruộng các nơi. Trên từ Tuyên Quang, Hưng Hoá xuống đến các xã dân Việt Trì mang nộp làm hương hoả phụng thờ 18 đời Hùng Vương”. Các vương triều kế tiếp như nhà Lê, Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn nhiều lần phong sắc, ra chỉ dụ cho dân xã vùng ven khu vực Đền Hùng nơi thờ cúng Thánh Tổ cho dân sở tại được miễn tô thuế lao dịch sử dụng tiền đó vào việc “Tu sửa điện miếu phải chăm lo cẩn thận, cốt tiện phụng sự, khiến mạch nước dài lâu, sông núi trường tồn”. Đến đời nhà Nguyễn việc tu bổ tôn tạo Đền Hùng đã được quan tâm mở mang, bằng nguồn kinh phí đóng góp của Nhà nước và nhân dân.
Hướng tâm trí về trung tâm linh thiêng Nghĩa Lĩnh, từ nhiều trăm năm qua, cộng đồng khắp mọi miền đất nước quan tâm chăm lo việc trùng tu tôn tạo các công trình văn hóa vật thể, trở thành lực lượng chính góp tiền của và tâm huyết xây dựng tu bổ Đền Hùng. Các cá nhân cung tiến kinh phí tu bổ như bà Phạm Thị Thịnh hiệu Hiền Viên chủ cửa hàng Đồng Thuận vào năm Khải Định thứ 2 (1917) tu tạo nghi môn (cổng đền) được làm theo kiểu tam quan chi phí hết 200 đồng. Bà Lê Thị Trại quê ở Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh chủ hiệu Nghĩa Lợi, Hà Nội khi đi viếng Tổ thấy đường lên núi “Bên sườn núi có đường đi vốn gập ghềnh khúc khuỷu, dáng núi dựng như bức tường, bậc cao như nấc thang mỗi khi có mưa xuống thì đi hư hại, đường lầy lụt” nên đã công đức 1.000 đồng để sửa đường lên núi Hùng “Sai người thiết kế, đo dài ngắn chỗ nào cao hạ thành thấp, chỗ nào khúc khuỷu sửa thành thẳng, chỗ nào hẹp sửa cho rộng, chỗ nào gập ghềnh lấp cho phẳng. San sửa thành từng bậc rồi xây, dùng bằng đá cho được bền lâu...”. Đường được làm có 525 bậc từ cổng lên Đền Thượng trên đỉnh núi.
Từ năm 1954 đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm tới việc bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng. Các công trình kiến trúc Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, lăng Hùng Vương, Đền Giếng được đại trùng tu. Bên cạnh đó, tiếp tục mở mang các công trình kiến trúc thờ tự quy tụ những giá trị văn hóa tâm linh về nơi cội nguồn, hình thành nên hệ thống đền thờ cha Rồng, mẹ Tiên là tổ tiên thiêng liêng của con cháu Lạc Hồng, như xây dựng đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên đỉnh núi Vặn năm 2005, xây dựng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân năm 2007 trên núi Sim bằng nhiều nguồn kinh phí của Nhà nước và do các tập thể, cá nhân tham gia đóng góp.
Không chỉ quan tâm tu bổ tôn tạo di sản văn hoá vật thể mà việc thực hiện những lễ nghi, tổ chức lễ hội cũng được cộng đồng tự nguyện tham gia. Theo định lệ cổ, lễ hội ở Đền Hùng xưa kia do dân sở tại (xã Hy Cương) chịu trách nhiệm chính, các xã xung quanh cùng rước kiệu về tế lễ. Kinh phí dùng cho sinh hoạt lễ hội được thu từ hai nguồn: Nguồn thu nhập từ công điền công thổ cấp riêng cho nhà đền hàng năm và từ đóng góp của trai đinh các giáp tham gia thực hành lễ hội. Vào thời Nguyễn có quy định của Bộ lễ như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày Quốc Tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch). Chiều ngày mùng 9 tháng 3 hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong các phủ huyện của tỉnh đều phải mặc phẩm phục, tề tựu trước nhà công quán. Sáng sớm hôm sau, (mùng 10 tháng 3) đến miếu kính lễ. Lễ phẩm dùng cho ngày này gồm: Bò, dê, lợn, xôi... Trích từ số tiền tự lợi bao nhiêu, cùng số tiền 100 đồng do Nhà nước cấp mỗi năm, giao cho Phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm...”. Những năm trước đây nhân dân địa phương các xã Hy Cương, Tiên Cương, Hy Sơn, Do Nghĩa, Cao Mại, Lâm Nghĩa sử dụng số ruộng thuê nộp hoa lợi tại huyện Lâm Thao làm kinh phí mua lễ phẩm phục vụ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trong lễ hội Đền Hùng thời phong kiến, hầu khắp các làng xã quanh các vùng đất Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh đã lập các di tích thờ phụng Hùng Vương, thờ vợ con tướng lĩnh các triều đại Vua Hùng, tổ chức rước kiệu về Đền Hùng mang sản vật của địa phương dâng kính tổ tiên, quây quần thực hành các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, đánh cờ người, kéo lửa nấu cơm thi... Sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tại Di tích lịch sử Đền Hùng, các cấp quản lý văn hóa và chính quyền sở tại đã bắt tay triển khai chương trình, hành động theo kế hoạch đã định, tiếp tục nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc tham gia tổ chức thực hiện các diễn xướng dân gian trong ngày giỗ Tổ. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan địa phương và cộng đồng dân cư, bằng cách xây dựng chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục di sản cho cộng đồng, lôi cuốn cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ di sản như tham gia bảo vệ, tu bổ di tích, ngăn chặn tình trạng xuống cấp do thời tiết, thời gian và do chính con người... Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung, biên dịch các tư liệu thông qua các cụ già ở làng xã, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian hiểu biết về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để xuất bản sách và đĩa CD... quảng bá rộng rãi trong cộng đồng. Tổ chức trưng bày chuyên đề về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương phục vụ đông đảo đồng bào về thăm viếng di tích. Bằng hình thức giới thiệu trực tiếp cho khách đến tham quan, phối hợp với các trường học, các công ty du lịch lữ hành đưa sinh viên các trường đến học tập với những trải nghiệm thực tiễn, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, đội viên tại di tích, quan tâm đào tạo cán bộ hướng dẫn lịch sử văn hoá, quản lý di sản tại Đền Hùng vì đó là những hạt nhân tuyên truyền để cộng đồng thấy được giá trị của di sản, sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy và trao truyền cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ về việc thực hành nghi lễ tín ngựỡng từ đó giữ gìn và tạo dựng đức tin, lòng tôn kính của cộng đồng đối với các Vua Hùng tổ tiên thiêng liêng của dân tộc. Thực hiện theo tinh thần Hiến chương của hiệp hội Bảo tàng thế giới (I COM): “Nghĩa vụ của chúng ta là chuyển giao những tài sản quý báu này với đầy đủ sự phong phú nguyên gốc của chúng”.
Trong quá trình xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử Đền Hùng - trung tâm thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tổ chức lễ hội luôn có vai trò đóng góp to lớn của cộng đồng. Ngược lại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng đã có những tác động như những yếu tố nội lực lớn lao vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, làm điểm tựa cho khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành triết lý sống với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trở thành một di sản văn hóa quý báu, được các thế hệ tự nguyện và đồng thuận với hiểu biết đầy đủ và sự tham gia rộng rãi nhất của cộng đồng, được gìn giữ phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.