Nhà cổ ở Hùng Lô- nơi lưu giữ hồn quê
Cập nhật ngày: 05/02/2024 14:57
Làng cổ Hùng Lô- thành phố Việt Trì đã trở thành điểm đến quen thuộc trên bản đồ du lịch Phú Thọ. Đến với điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô, ngoài thăm ngôi đình cổ kính hơn 300 năm tuổi thì một trải nghiêm thú vị chính là đi thăm những ngôi nhà cổ trong làng- nơi lưu giữ hồn quê của bao thế hệ người con Đất Tổ.

Tại làng cổ xã Hùng Lô, hiện có khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ  trên 100 năm đến trên 300 năm tuổi. Các ngôi nhà trên do chủ sở hữu ngôi nhà đang sử dụng làm nhà ở, sinh hoạt gia đình hoặc làm nhà thờ họ. Một số hiện đang được đưa vào để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Vào một chiều cuối năm, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Yến ở khu 3, xã Hùng Lô. Sau lối vào cổng tĩnh mịch là một khoảng sân với những cây cau, giàn trầu không và vài loài hoa cảnh đang vươn mình. Bên cạnh 02 ngôi nhà tầng khang trang, ngăn nắp trong phần đất của gia đình, ngôi nhà gỗ cổ của gia đình bà Yến vẫn ở đó yên bình và vững chãi với thời gian. Trong cuộc trò chuyện với anh con trai bà Yến, anh cho biết, ngôi nhà cổ của gia đình anh được giữ gìn làm nơi thờ cúng đã qua 06 đời. Ngôi nhà được làm từ gỗ tự nhiên như đinh, lim, với các chi tiết hoa văn được chạm khắc tinh tế. Trên những chồng bồn, kẻ, bảy, câu đầu của ngôi nhà cổ được chạm khắc những biểu tượng tùng, trúc, cúc, mai (tượng trưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông) – đặc trưng kiến trúc của làng quê Việt Nam thời xưa. Khi bố anh còn sống, vì có hiểu biết về kết cấu nhà cũng như các loại gỗ nên dù có sửa sang thì vẫn giữ nguyên hoa văn và kết cấu cũ của ngôi nhà.

Không chỉ nhà bà Yến mà các ngôi nhà cổ tại làng cổ tại xã Hùng Lô có lối kiến trúc khá giống nhau, đa số có kết cấu 3 gian 2 chái (hoặc 2 dĩ) cân đối, gian giữa là nơi thờ tự, hai gian bên cạnh thường đặt giường nằm, gian buồng là của bố mẹ hoặc các con. Trong đó, nơi quan trọng nhất của ngôi nhà là gian giữa - nơi đặt bàn thờ tổ tiên được bài trí trang trọng thể hiện lòng thành kính của con cháu với thế hệ cha ông đi trước. Trải qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, tác động của thiên tai, các thế hệ người dân nơi đây vẫn bảo tồn và phát huy được những nét đẹp truyền thống, thể hiện rõ qua từng nếp nhà cổ, mái đình hơn 300 năm tuổi và ngôi Miếu cổ được các cụ cao niên trong làng cho là đã hơn 800 năm tuổi…. Đây không chỉ là những giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa mà còn trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên.

Đồng chí Lã Tiến Boong- Phó chủ tịch UBND xã Hùng Lô chia sẻ: nhà cổ ở Hùng Lô tập trung chủ yếu ở khu 02 và khu 03. Để bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi nhà cổ này, xã Hùng Lô đã tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân duy trì và bảo tồn những ngôi nhà này. Cùng với đó, xã cũng lựa chọn một số ngôi nhà cổ để đưa vào tour du lịch làng cổ để du khách đến thăm quan và trải nghiệm không gian của “nếp nhà” xưa”. Từ chỗ đơn thuần là nơi sinh hoạt, thờ tự, bước đầu đã có những gia đình xây dựng loại hình homestay để du khách khi đến với Hùng Lô được cùng trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân Hùng Lô, hiểu biết sâu sắc hơn về nhịp sống hồn hậu nơi vùng đất cổ.

Đến với làng cổ Hùng Lô, bạn hãy thả hồn mình để thưởng thức những câu Xoan mượt mà dưới mái đình cổ kính nơi đình Xốm rồi dạo bước trên những con đường làng quanh co để đến với không gian những ngôi nhà cổ- nơi lưu giữ trọn vẹn hồn quê. Đến tham quan những ngôi nhà cổ Hùng Lô, giao lưu với chủ nhà- những hướng dẫn viên cộng đồng, bạn sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc và những câu chuyện gắn với từng thế hệ đã sinh sống trong mỗi ngôi nhà. Cùng với đó, bạn còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại các khu vực làm nghề truyền thống như làm mỳ gạo, làm bánh chưng, bánh đa, kẹo vừng… Đồng thời tìm hiểu và khám phá thêm không gian, tập tục của làng Việt xưa với nét truyền thống bao đời còn được lưu giữ nơi Đất Tổ Hùng Vương.

                                               

Minh Chính
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Thành phố Việt Trì tăng cường quản lý nội quy Công viên Văn Lang.
Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo mỹ quan, trật tự hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì đang tổ chức các hoạt động kiểm tra, nhắc nhở nhằm ngăn chặn tình trạng câu cá của một số người dân.