Hơn chục năm trở lại đây, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều tổ chức thi tuyển ông Từ cho các đền và coi đây là việc quan trọng trong năm. Việc chăm lo hương khói cho bàn thờ Tổ phải là những người lớn tuổi, các bậc trưởng lão trong làng, trong xóm, được dân tin trọng. Trước hết, đó phải là các cụ cao tuổi được hai địa phương là xã Hy Cương, thành phố Việt Trì và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao lựa chọn đề cử, đây là hai địa phương đã có công trông nom, đèn nhang, phụng thờ lăng miếu bao đời nay. Hàng năm, việc tuyển chọn ông Từ chỉ được tổ chức một lần vào tháng 12. Để trở thành ông Từ ở các đền, các cụ cao niên phải vượt qua hai kỳ thi đầy cạnh tranh gồm thi hiểu biết lịch sử và thi thực hành tín ngưỡng cúng lễ. Mỗi ông Từ chỉ đảm nhiệm công việc tròn một năm, khóa Từ bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12. Người trúng tuyển khóa Từ không chỉ mang lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình mà còn là niềm tự hào cho cả địa phương tiến cử. Bà Tạ Thị Kim Nhung - Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Theo quy chế thi tuyển, ông Từ phải đạt được các tiêu chuẩn cơ bản như gia đình văn hóa, con cháu đủ đầy, gia đình chấp hành tốt quy định của địa phương. Hình thức thi tuyển được chia làm hai phần, thứ nhất là tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, các tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; phần thứ hai là thực hành tín ngưỡng. Ở phần này, các thí sinh cao tuổi sẽ tham gia bốc thăm đề thi, đề thi rơi vào đền nào thì thực hiện bài cúng lễ của đền đó. Tổng hợp 2 phần thi để lấy điểm trung bình, người đạt điểm cao sẽ được chọn. Ông Nguyễn Thế Hàm - nguyên là tổ trưởng tổ Từ chia sẻ kinh nghiệm: Sau khi “chọn mặt gửi vàng”, những người được địa phương tiến cử sẽ tham gia lớp tập huấn quy chế, kiến thức lịch sử và nghi lễ truyền thống dân tộc do Khu di tích tổ chức. Toàn cụ cao niên nhưng trong thời gian chuẩn bị thi tuyển, các “thí sinh già” cũng ngày đêm ôn luyện vất vả lắm. Ai cũng cố gắng nắm vững kiến thức để thi đỗ bởi được làm ông Từ chính là đem vinh dự về cho làng, xã và gia đình. Thường những cụ có thể khấn chay, thực hành “cúng vo” một cách nhuần nhuyễn thì đạt điểm cao hơn!
“Cầu nối” gắn kết cộng đồng
Đã thành thói quen, hơn 5 giờ sáng, ông Đào Văn Thiết (66 tuổi) trở dậy để bắt đầu những công việc hàng ngày của ông Từ trông coi đền Giếng- nơi thờ tự hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa- con gái Hùng Vương thứ 18. Ông Thiết cho biết: Công việc của ông Từ bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối. Sáng sớm, tôi thay mới trầu cau, nước, vệ sinh ban thờ sạch sẽ rồi mới lên hương, thỉnh chuông, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên của ngày. Ngoài việc nhang khói trông coi đền Giếng, tôi cố gắng tìm hiểu và học hỏi về lịch sử cũng như các câu chuyện liên quan đến Đền Hùng để hướng dẫn, giải đáp thông tin cho du khách đến thăm Khu di tích. Hiện Khu di tích lịch sử Đền Hùng có 6 ông Từ trông coi tại 6 đền thuộc Khu di tích. Năm 2015 là năm đầu tiên các ông Từ, nhà Sư, phụ Từ và người giúp việc thực hiện nhiệm vụ theo quy chế sửa đổi, bổ sung do đó việc trông coi đèn nhang tại các đền chùa trong khu vực núi Hùng ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn. Các ông Từ làm nhiệm vụ “bao sái” tức là trông nom, lau dọn đồ thờ tự, chuẩn bị hương hoa, lễ vật, đèn nhang tại các đền đồng thời phối hợp với cán bộ Khu di tích hướng dẫn đồng bào thực hành tín ngưỡng đúng quy định. Công việc tưởng chừng quen thuộc này luôn được các ông Từ ở đây làm một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Là tổ trưởng tổ Từ tại Khu di tích, ông Nguyễn Xuân Sang - ông Từ trông coi ở đền Thượng chia sẻ: Ở vị trí thường xuyên phải tiếp đón các đoàn khách lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và đồng bào cả nước về bái lễ tổ tiên nên các thành viên trong tổ luôn giữ thái độ ứng xử hòa nhã, thân thiện, đem lại sự hài lòng cho du khách. Với những người chưa hiểu về tín ngưỡng và nghi lễ thì chúng tôi hướng dẫn cho bà con cách sắp lễ, hành lễ, các thủ tục thực hành tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng đồng thời nhắc nhở bà con không tham gia hầu đồng, bói toán tại cửa đền. Mỗi ngôi đền là nơi lưu giữ lịch sử dân tộc “con Rồng cháu Tiên”. Vì thế, cùng nhiệm vụ hướng dẫn du khách thực hành nghi lễ tín ngưỡng tại các đền, các ông Từ còn là “cầu nối” lịch sử khi du khách muốn tìm hiểu về cội nguồn dân tộc. Các ông Từ trong Khu di tích không chỉ hiểu biết về lịch sử các đền mà còn cả các sự tích, huyền tích, những dấu ấn văn hóa, lịch sử thời Hùng Vương dựng nước. Trở thành ông Từ, bên cạnh niềm tự hào là trách nhiệm nặng nề khi trở thành người đại diện của "đất trưởng" đón tiếp người dân thập phương về lễ Tổ. Khách du lịch về với Đền Hùng chủ yếu là du lịch tâm linh nên sự tận tình của những người giữ ấm bàn thờ tiên tổ sẽ càng ý nghĩa hơn đối với những người con phương xa tìm về đất thiêng nguồn cội.