Hôm nay, gia đình ông Bùi Xuân Trường ở khu 6 xã Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì dậy từ sớm làm mâm cỗ nhỏ để dâng lên thắp hương tại gia tiên, cũng là tưởng niệm các Vua Hùng. Lễ vật với những món ăn truyền thống, nhưng không thể thiếu món bánh chưng và bánh giầy, 2 sản vật dâng lên Vua. Ông Trường chia sẻ: “Hàng năm cứ vào dịp mồng 10/3 âm lịch, gia đình tôi cũng như các gia đình khác trên địa bàn đều làm mâm cỗ thắp hương tri ân các Vua Hùng. Đây cũng là dịp để gia đình nhắc nhờ, giáo dục con cháu trong nhà nhớ đến công ơn các Vua đã có công dựng nước”
Đình An Thái, xã Phượng Lâu, Việt Trì thờ Tam vị Đại Vương, lễ vật dâng tại Đình sẽ Thủ lợn hoặc gà, xôi, tùy theo hoàn cảnh gia chủ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên các gia đình mang lễ vật để thắp hương tại Đình cũng phải sắp xếp, tránh đông người. Sau khi tri ân, kính cáo, gia đình sẽ xin lễ và mời các Vua về gia đình mình trong ngày Giỗ Tổ. Ông Nguyễn Tiến Tường - Từ Đình An Thái, xã Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ cho biết: “Việc làm mâm cỗ tri ân các Vua Hùng đã có từ rất lâu rồi trên địa phương chúng tôi. Trải qua thời chiến tranh có thể bị gián đoạn một ít, tuy nhiên đến ngày nay, lại được khôi phục và duy trì. Các gia đình tùy điều kiện có thể làm to, nhỏ, lễ mặn, nhạt khác nhau nhưng ít nhất cũng có mâm ngũ quả để thờ Vua. Đó cũng là truyền thống văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân, là nét văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, rất cần được giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay”
Đây là năm thứ ba, thành phố Việt Trì triển khai và tuyên truyền để người dân trên địa bàn thực hiện mâm cỗ tri ân các Vua Hùng. Tuy nhiên, đây đã là nét văn hóa có từ lâu đặc biệt của những người dân xã vùng ven chân núi Nghĩa Lĩnh.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Dù ở phương trời nào, những người con Việt cũng đều hướng về Tổ tiên. Đây chính là nét đẹp văn hóa, một đạo hiếu được hun đúc hàng nghìn năm, tạo nên sức mạnh trường tồn, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước./.