Cập nhật ngày: 23/02/2018 19:42
Tương truyền, vào thời đại Hùng Vương thứ 18, ở làng Mộ Trạch (tỉnh Hải Dương) có vợ chồng ông Vũ Công, vốn dòng dõi thi thư, nhưng cảnh nhà nghèo túng , mới tìm về Đô thành Văn Lang đến chốn Hương Lan tìm chỗ dạy học, làm kế sinh nhai. Ông bà sinh hạ được một người con trai, đặt tên là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Thê Lang cũng theo nghiệp cha, mở lớp dạy học, rồi kết duyên cùng cô gái Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngân, Kinh Bắc. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai người sinh hạ được 3 người con trai nhưng các con chưa kịp trưởng thành thì ông bà đã tạ thế vào cùng một ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên). Ba người con trai sau này trở thành đô sỹ cận vệ của Hùng Vương 18. Khi nhà Hùng mất, ba ông đã tìm về thôn Hương Lan và trẫm mình xuống hồ tự sát để giữ lòng trung hiếu với triều Hùng. Vua An Dương Vương đã phong cả 3 ông làm Thành hoàng làng, giao cho thôn Hương Lan lập nơi thờ cúng. Nhân dân cũng đã xây cả miếu thờ Thầy cô, ở nơi phần mộ và trồng ở đây 2 cây táu quý.
Trải qua gần 2300 năm, qua bao chiến thiên binh lửa, nhân dân vẫn chăm sóc và bảo tồn nguyên vẹn Đình, Miếu và Lăng mộ. Hiện nay ngôi miếu này nằm trong một quần thể di tích Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và Đền Thiên Cổ đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử ngày 28/1/1999. Nhiều năm trở lại đây, đền được coi là một điểm đến rất ý nghĩa của những người dân hiếu học không chỉ trong địa bàn thành phố mà trên phạm vi cả nước bởi sự hiện diện của nó là minh chứng cho nền văn hiến lâu đời của đất nước và truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ngay từ thời dựng nước.
Đền Thiên Cổ nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa. Đền ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ, gốc to đến năm sáu người ôm không xuể, ước đoán tuổi đời đã đến nghìn năm. Ngôi đền có một hậu cung bên trong và gian đại bái bên ngoài, phía trên treo bức hoành phi: "Thiên Cổ Miếu", hai bên có đôi câu đối viết bằng chữ Việt cổ: "Hùng lĩnh trung chi thắng tích, Nam thiên chính khí linh từ". Hai bên cửa võng là hai câu đối: "Đạo học nét son ngời Lạc Việt, Văn minh dấu ấn rạng Hùng Vương".
Đền Thiên Cổ đang trở thành khu du lịch văn hóa tâm linh và truyền thống hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Câu chuyện xung quanh ngôi đền còn nhiều điều bí ẩn nhưng chỉ riêng đây là nơi thờ những người thầy cũng đã khiến cho hàng trăm đoàn người về thăm mỗi năm để tỏ lòng “tôn sư trọng đạo”. Các phụ huynh, các học sinh ở mọi miền Tổ quốc về đây thắp hương mỗi dịp lễ tết, mùng một, ngày rằm ,trước những kì thi… coi đây là một nơi mang lại may mắn và an lành./.