“Chuyến đi đến Đền Hùng đã đưa tôi và những Đại sứ khác về thăm vùng đất Tổ tiên của Việt Nam, về cội nguồn của đất nước các bạn. Đây là dịp hiếm có để nhiều bạn bè quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam biết về một vùng đất linh thiêng không chỉ với người dân Việt Nam mà còn với những người muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam”, Đại sứ Palestine Saadi Salama chia sẻ.
Trong câu chuyện kể về chuyến đi này, ngài Đại sứ đã nhiều lần dùng từ “tuyệt vời” để miêu tả cảnh quan thiên nhiên và con người nơi đây. “Chúng tôi đã được tận hưởng không khí trong lành mát mẻ những ngày đầu xuân. Khác với Hà Nội, có nhiều nhà cao tầng, xe cộ, rất ít không gian xanh. Ở đây, các ngôi đền nằm trên ngọn núi bao bọc bởi cây cối um tùm. Chúng tôi cảm thấy mình như đang đi giữa thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên. Ngoài ra, lần đầu tiên tôi được tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại điện Kính Thiên mà không phải Đại sứ nào cũng được làm điều đó, đã khiến tôi thực sự cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc của các bạn trong việc thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với Tổ tiên. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ”.
Cũng giống như Đại sứ Saadi Salama, ấn tượng về một Đền Hùng linh thiêng, nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam cũng rất sâu sắc trong tâm trí em Chin Ta Na - Lưu học sinh Lào đang theo học tại trường Đại học Hùng Vương: “Em đến Đền Hùng lần đầu tiên trong một buổi học ngoại khóa chủ đề tìm hiểu lịch sử Việt Nam do trường tổ chức. Sau đó, em và các bạn có quay lại đây vài lần bởi chúng em rất thích khung cảnh nơi đây. Rất cổ kính, yên bình. Em cũng rất ngưỡng mộ về bề dày văn hóa lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam”.
Còn với chị Lương Phượng - một người Trung Quốc làm việc và sinh sống tại Việt Trì hơn 10 năm nay chia sẻ: “Tôi không còn nhớ chính xác cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Đền Hùng như thế nào, nhưng bây giờ, khi đã lập nghiệp và xây dựng cuộc sống gia đình tại đây, mỗi ngày rằm, mùng 1, tôi vẫn cùng người thân lên dâng hương, làm lễ tại Đền Hùng để cầu bình an cho gia đình. Mỗi lần như vậy, thấy tâm mình bình yên rất nhiều. Ở Trung Quốc và chắc là cả các nước khác nữa, không ở đâu có một nơi chung cho cả nước thờ cúng và cũng không có nước nào mà tất cả người dân đều thờ cúng chung một nơi, một người. Rất vĩ đại, rất độc đáo”.
Có thể thấy, Đền Hùng đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tâm trí mỗi du khách quốc tế khi có dịp đặt chân đến đây, khiến họ choáng ngợp trước quy mô cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng để họ cảm nhận đầy đủ về giá trị của quần thể đặc biệt này, không thể thiếu vai trò của những “sứ giả lịch sử”.
Gắn bó với Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tròn 20 năm, hướng dẫn viên Nguyễn Thị Bích Phượng đã trực tiếp thuyết minh cho rất nhiều đoàn khách quốc tế. Theo chị, du khách quốc tế đến với Đền Hùng đều thấy thích thú muốn khám phá công trình kiến trúc đền, chùa của quần thể di tích, các du khách Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc... có cảm giác gần gũi nhờ văn hóa Á Đông và họ thấy ấn tượng với những truyền thuyết độc đáo như Cha Rồng, Mẹ Tiên và ngưỡng mộ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam.
Khi được hỏi về việc thuyết minh cho người nước ngoài có gì cần chú ý đặc biệt hơn so với những đối tượng khác, chị Phượng chia sẻ: “Ngoài việc quan tâm đến kỹ năng tuyên truyền, diễn giải truyền cảm, tôi còn lựa chọn phương pháp, nội dung thuyết minh cô đọng, xúc tích nhất về những câu chuyện trong thời đại Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để phù hợp với từng đối tượng du khách. Ví dụ như các đoàn ngoại giao là giới thiệu văn hóa, các lưu học sinh thì đi sâu tìm hiểu lịch sử... Nhưng đã là khách quốc tế, đội ngũ hướng dẫn viên chúng tôi luôn cố gắng nâng cao khả năng ngoại ngữ, khả năng thuyết trình nhằm truyền tải một cách chân thực nhất, giới thiệu và quảng bá đầy đủ những giá trị văn hoá tinh thần của người Việt thông qua các di tích, hiện vật đến với bạn bè và du khách quốc tế”.
Với những giá trị to lớn, Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là niềm tự hào với mỗi người dân Việt Nam khi giới thiệu với bạn bè quốc tế.