Theo tài liệu lịch sử, thời Hùng Vương thứ 18, ở đất Hoan Châu - Nghệ An có 2 vợ chồng ông Trần Thiệu và bà Nguyễn Lân giàu có lại trung hậu, hiền hòa tuy tuổi đã cao mà chưa có con. Hai ông bà đi khắp mọi nơi và tìm đến chùa Yên Hoa, đền Ung Sơn làm lễ cầu xin thì được báo mộng và sinh hạ được hai người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Lan và Ngọc. Sau khi bố mẹ qua đời, hai ông đã chu du khắc thiên hạ và tìm đến một thiền sư ở núi Tản Viên Sơn (nay là Ba Vì- Hà Nội) để đến với đức phật quảng đại từ bi. Khi 2 ông thành đạt thì thiền sư biến mất. Để tỏ lòng biết ơn thiền sư, 2 ông đã đổi tên là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã ngầm giúp Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên xâm lược và được phong làm hộ quốc bảo dân Đại Vương, sắc phong cho Bạch Hạc - Chi Cát, cùng nhiều địa phương khác thờ tự từ đó đến nay. Đền Chi Cát có từ thế kỷ thứ VII. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đền đã được tôn tạo, xây dựng lại trên nền móng cũ và đến năm 2011, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Để tưởng nhớ công đức của các ngài, hàng năm, nhân dân đã tổ chức 3 tiết lễ chính là: lễ Thượng nguyên (ngày rằm tháng Giêng), lễ Trung nguyên (ngày 21/5) và lễ Hạ nguyên (ngày 15/10 âm lịch) để nhân dân va du khách thập phương trở về lễ đền và tri ân công đức của các ngài.
Tại buổi lễ, nhân dân địa phương cũng đã được tham gia các nghi thức tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Lễ hội Đền Chi Cát là nét đẹp văn hóa của nhân dân địa phương, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ và ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương./.