Chị Lương Thị Huyền Trang, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, cho biết: “Tôi có hai cháu, một cháu 3 tuổi, một cháu 5 tuổi, hiện tôi đều cho các cháu học Tiếng Anh ở trường mầm non và cả các trung tâm tiếng Anh. Tôi nghĩ học tiếng Anh rất cần thiết và học càng sớm càng tốt, 3 tuổi trở lên là học được rồi”. Trái với ý kiến của chị Trang, chị Nguyễn Thị Thứ, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì lại cho rằng: “Tôi không đăng ký cho bé nhà tôi học Tiếng Anh ở độ tuổi mầm non vì nên để con phát triển tự nhiên, khi nào đến tuổi nhất định thì tôi sẽ tập trung cho cháu học”.
Với những phụ huynh ủng hộ, không ít trong số họ tin tưởng rằng nếu cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm sẽ sử dụng được song song hai ngôn ngữ. Những người không ủng hộ lại đưa ra quan ngại tiếng Anh sẽ làm trẻ bị “nhiễu” hoặc thậm chí “loạn” ngôn ngữ, ảnh hưởng không tốt đến việc hoàn thiện tiếng mẹ đẻ. Chia sẻ về vấn đề này, ông Neil Roberts - Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh tại Hà Nội cho hay: “Trước tiên, cần phân biệt giữa song ngữ và học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai. Nếu một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường sử dụng thường xuyên cả hai ngôn ngữ, kết quả là chúng khá thoải mái trong việc sử dụng và hiểu cả tiếng Việt và tiếng Anh. Còn hầu hết học sinh Việt Nam hiện đang học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai bởi những hạn chế về môi trường và cách tiếp cận. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiếng mẹ đẻ của trẻ. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất độ tuổi quan trọng để phát triển tiếng mẹ đẻ ở trẻ là từ 2-4 tuổi và khi tiếng mẹ đẻ phát triển đến một trình độ nhất định, trẻ mới tiếp thu được ngoại ngữ thứ hai mà không bối rối, mất tự tin. Theo chương trình chuẩn của Vương quốc Anh, trẻ em chỉ nên bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai từ giai đoạn 6-7 tuổi”.
Hiện nay có nhiều câu hỏi đặt ra là có nên cho trẻ “học” Tiếng Anh ở bậc mầm non? Nhìn vào những lợi ích mà việc học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai mang lại, chúng ta không thể phủ nhận cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn nhỏ đang là xu hướng tất yếu của xã hội ngày nay. Khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật đang ngày càng phát triển qua những minh chứng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, việc trẻ được cố ý hay vô tình tiếp cận tiếng Anh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tiếp cận một cách chính thống và có bài bản phải là điều mà phụ huynh và các nhà giáo dục hướng tới để tạo một tiền đề tiếp thu ngôn ngữ thứ hai tốt cho trẻ. Nắm bắt được nhu cầu này, các trường mầm non (chủ yếu là các trường tư thục) cũng dần đưa môn Tiếng Anh vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, các trường lại không có sự thống nhất về nội dung giảng dạy, mỗi trường một giáo án, trình độ giáo viên không đồng đều, chuyên môn ngoại ngữ không được kiểm duyệt. Trước thực tế này, chương trình cho trẻ mầm non làm quen với Tiếng Anh chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra hướng dẫn thực hiện từ năm 2014. Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã đồng ý cho triển khai thí điểm tại một số trường mầm non ở những nơi có điều kiện kinh tế. Đến nay có khoảng 18/320 trường thực hiện thí điểm, số trẻ chủ yếu từ 4-6 tuổi. Trao đổi với chúng tôi, bà Tạ Thị Tuyết Lan - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở GĐ&ĐT cho biết: “Sau 2 năm triển khai thí điểm, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đều khẳng định trẻ được làm quen với tiếng Anh có xu hướng tự tin hơn, nhạy bén hơn trong phát triển ngôn ngữ. Trẻ mạnh dạn đặt câu hỏi nhiều hơn, tìm từ và trả lời nhanh hơn, giao tiếp mạch lạc, có kỹ năng ứng xử hơn trong các tình huống”.
Dù được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để ổn định và thống nhất chương trình tiếng Anh ở cấp học mầm non nhưng chương trình vẫn cho thấy còn nhiều bất cập. Môn học tiếng Anh chỉ là chương trình ngoại khóa, dựa theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh, nên không có biên chế giáo viên Tiếng Anh để phục vụ cho hoạt động này. Ngoài ra, giáo viên mầm non đáp ứng đủ điều kiện năng lực giảng dạy tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT là trình độ B2, bậc 4 trong khung năng lực Tiếng Anh quốc gia cũng rất hiếm nên việc tìm và ký hợp đồng với đối tượng giáo viên này là rất khó khăn. Bởi vậy, các trường mầm non phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để mời giáo viên đến dạy. Tuy nhiên, nếu các giáo viên này không được yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ một cách khắt khe thì rất dễ để tình trạng giáo viên không đủ trình độ đứng lớp dạy học. Mặt khác, điều mấu chốt để một đứa trẻ nói tốt tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai là phải có môi trường tiếng Anh thuận lợi. Do chương trình tiếng Anh vẫn được quy định là nội dung ngoại khóa nên thời gian học được các trường bố trí vào buổi chiều với thời lượng khoảng 30 đến 45 phút/buổi và khoảng 2 buổi/tuần. Tuy nhiên, khối lượng thời gian này là quá ít, không đủ để tạo cho trẻ thói quen nói tiếng Anh hoặc phản xạ cần thiết. Nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp bằng cách phát những “tờ bài tập về nhà” để phụ huynh nắm bắt được nội dung con em mình học trên lớp nhưng khi luyện tập tại nhà mà phụ huynh không có trình độ ngoại ngữ nhất định sẽ dễ dẫn đến tình trạng vô tình tác động tiêu cực đến việc tiếp thu ngoại ngữ của con trẻ. Cần xác định rõ, tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai. Thiết nghĩ, tại cấp bậc mầm non, việc làm quen ngôn ngữ chỉ nên dừng lại ở việc tạo hứng thú cho trẻ trong tiếp nhận một ngôn ngữ mới không phải tiếng mẹ đẻ, hình thành các phản xạ về ngôn ngữ nhờ sự thẩm thấu thông qua các hình ảnh, video, trò chơi, bài hát… một cách tự nhiên và ghi nhớ một vài tên gọi các sự vật hiện tượng, nếu có thể. Không nên quá tạo áp lực hay kỳ vọng vào sự tiếp thu ngôn ngữ mới ở trẻ. Khi ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc cho tới năm 10 tuổi thì phụ huynh chỉ nên duy trì niềm hứng khởi và yêu thích tìm tòi của trẻ trong việc học môn học tuyệt vời này.