Chung tay gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng
Cập nhật ngày: 23/04/2018 10:49
Lễ rước kiệu các xã vùng ven về di tích là một trong những hoạt động tiêu biểu không thể thiếu trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Đây còn là biểu hiện rõ nét nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, bởi ở đó không chỉ thể hiện tình cảm, sự biết ơn và sự tri ân công đức các Vua Hùng có công khai quốc, sinh dân, mà còn thể hiện rõ tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết của dân tộc. Những năm qua, nghi lễ này đã được nhân dân các địa phương duy trì, bảo tồn và tổ chức thành kính nhằm tôn vinh giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

        Bao lâu nay, người dân xã Hùng Lô đã trở nên quá quen thuộc với hình ảnh ông Nguyễn Sỹ Long - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, Phó Ban Di tích đình Hùng Lô thường ngày chạy chiếc xe đạp điện đến đình để trông nom, hương khói. Đã 82 tuổi, gắn bó với công việc này đã hơn 13 năm nhưng trong câu chuyện ông kể cho chúng tôi nghe không hề bỏ sót một chi tiết nào về quá trình trường tồn của ngôi đình và truyền thống rước kiệu hằng năm. Theo lời ông kể, ngôi đình Hùng Lô có lịch sử phát triển rất lâu đời, trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Nơi đây còn gắn liền với nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương từ xa xưa đến nay. Nhờ sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhân dân địa phương, những giá trị văn hóa truyền thống đó vẫn luôn được truyền đời gìn giữ cho đến tận bây giờ.

        Ông Long chia sẻ: “Bà con nhân dân trong xã luôn cảm thấy tự hào vì giữ được truyền thống rước kiệu về Đền Hùng hằng năm. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày chuẩn bị cho lễ rước kiệu là không khí trong xã lại nhộn nhịp hẳn lên. Ai ai cũng muốn chung tay, góp sức để thể hiện lòng tôn kính đối với Tổ tiên”. Cho đến tận bây giờ, nghi lễ rước kiệu của xã Hùng Lô vẫn giữ được nét truyền thống, trang nghiêm hiếm có với đầy đủ các thành phần tham gia đoàn rước từ chủ tế, các chức sắc, bô lão trong làng, các trung nam, trai đinh, đội tuần tráng, phường múa sư tử… với khoảng gần 100 người được tuyển chọn kỹ càng. Cứ định kỳ 5 năm, ngoài nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng, địa phương lại tổ chức rước kiệu xung quanh làng để bà con địa phương cùng chiêm ngưỡng. Năm nay, ngoài đoàn rước được chuẩn bị chu đáo, công phu, xã còn huy động sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn để xây dựng xe mô hình bánh chưng, bánh giầy rước về Đền Hùng. Những việc làm đó vừa thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, vừa phát huy tính chủ động, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

        Về xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao vào những ngày sắp diễn ra Lễ hội Đền Hùng và tìm đến Đình Cả được xây dựng cách đây khoảng 300 năm thờ các đời Vua Hùng thứ 16, 17, 18 - nơi tổ chức nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng hằng năm. Thấy sự cổ kính, trang nghiêm của Đình Cả được giữ gìn mới thấy hết được lòng tôn kính với Tổ tiên, sự trách nhiệm của người dân nơi đây trong việc bảo vệ di sản và lưu giữ truyền thống văn hóa của địa phương.

        Vừa tất bật với việc trang trí các kiệu rước, ông Nguyễn Văn Tường - Trưởng ban khánh tiết Đình Cả vừa chia sẻ với chúng tôi: “Không phải tới khi di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được công nhận, các nghi lễ truyền thống, đặc biệt là nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng mới được bà con địa phương chúng tôi gìn giữ, bảo tồn mà công việc đó đã được thực hiện từ hàng trăm năm nay. Ngoài việc chung tay lo liệu, chuẩn bị cho các nghi thức lễ lớn trong năm, người dân địa phương còn tự nguyện thu xếp công việc gia đình, dành thời gian lo công việc chung của đình, làng, tham gia đóng góp công sức, tiền của để bảo vệ, tôn tạo di tích”.

        Là vùng đất trung tâm của nước Văn Lang xưa và hiện nay là nơi có Di tích lịch sử Đền Hùng, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày chuẩn bị làm lễ rước, người dân xã Hy Cương lại tập trung tại sân Đình Cổ Tích từ rất sớm. Khác với các xã khác, là con trưởng tạo lệ nên Hy Cương bao giờ cũng được rước kiệu sớm, đi đầu đoàn rước và là kiệu duy nhất được rước lên Đền Thượng.

        Ông Triệu Khắc Bằng ở khu 3 phấn khởi cho biết: “Lễ rước kiệu là niềm tự hào của mỗi người con xã Hy Cương vì thế nên mỗi khi xã tổ chức rước kiệu, mọi người dân nơi đây đều tự nguyện tham gia. Người thì tỉ mỉ chau chuốt lại trang phục truyền thống; người thì chuẩn bị lễ vật, trang trí cờ, quạt, kiệu, trống… Mỗi người mỗi công việc, nhưng ai ai cũng đều thấy rất phấn khởi, tự hào vì được đại diện nhân dân xã “rước Vua” về Đền Hùng. Và hơn ai hết, chính chúng tôi sẽ là những người phải có trách nhiệm để tiếp tục gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa đặc sắc này”. 

        Từ ngàn đời nay, trong các nghi lễ được thực hiện vào mỗi dịp Giỗ Tổ, Lễ rước kiệu đã trở thành nghi lễ truyền thống đặc biệt của người dân quanh núi Nghĩa Lĩnh. Xa xưa, 41 làng, xã ven di tích thờ vợ con, tướng lĩnh Hùng Vương đến ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch lại cùng tổ chức rước kiệu về Đền Hùng để dâng lễ vật lên Tổ tiên. Đây là năm thứ 7 tỉnh Phú Thọ mở rộng quy mô rước kiệu với sự tham gia của 7 xã, thị trấn vùng ven, được tổ chức vào mùng 8 tháng 3 âm lịch nhằm thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tôn kính đối với Tổ tiên của dân tộc Việt.

        Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử, nghi lễ rước kiệu truyền thống không những không bị mai một, mà ngược lại nó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người Việt. Đó đều là nhờ sự chung tay góp sức của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cần được gìn giữ và tiếp tục trao truyền cho muôn đời sau.

Theo Cổng TTĐT
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...