Ngày cuối tuần, từ sáng sớm, làn sương mờ ảo, lạnh buốt còn giăng đầy trên mặt hồ, trên những khóm hoa, bãi cỏ trong khuôn viên Miếu Lãi Lèn - “Nhà hát” từ thời Văn Lang xưa, nơi phát tích loại hình nghệ thuật dân gian Hát Xoan, các nghệ nhân thuộc phường Xoan Thét đã có mặt. Họ cùng nhâm nhi chén trà nóng, thơm nồng rồi nhanh chóng "bắt tay vào việc". Với họ, Hát Xoan và trình diễn Hát Xoan giống như đã ăn sâu vào máu thịt, từng lối hát, chặng hát, đến những động tác trình diễn hay biểu cảm, sắc thái trong mỗi chặng hát đều đã "thuộc lòng". Thế nhưng hôm nay, họ không chỉ biểu diễn cho đông đảo du khách tham quan, thưởng thức mà còn truyền đạt cái hồn cốt, cái hay, cái đẹp của câu Xoan cổ cho rất đông thầy cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Việt Trì.
Sau ít phút chuẩn bị, ai nấy đều đã bận trang phục Hát Xoan truyền thống, chỉnh trang từng tà áo, vành khăn… Các nghệ nhân luyện tập, "uốn" lại từng từ, từng ngữ, từng điệu bộ trong lối hát, từng cách phát âm và cách lấy hơi, đánh phách... Trong làn gió sớm mai tiếng trống, tiếng hát hòa trong không gian, xua tan sự tĩnh lặng của buổi sáng sớm... Hơn 9 giờ sáng, các giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng theo hàng một từ cổng nhanh bước vào trong sân miếu. Chỉ trong vài phút, cả không gian rộng lớn, tĩnh mịch buổi sáng ở Miếu Lãi Lèn bỗng sinh động bởi hơn 700 học sinh khối lớp bốn và năm. Qua hệ thống loa, giọng cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, cán bộ văn hóa xã Kim Đức, TP Việt Trì vang vang thu hút sự chú ý của các em học sinh: Làn điệu Hát Xoan tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, đồng thời như một nghi lễ báo hiệu đầu xuân năm mới cầu cho quốc thái dân an... Tương ứng với mỗi phần giới thiệu, các nghệ nhân phường Xoan Thét thực hành biểu diễn một bài Xoan cổ theo từng chặng hát của một cuộc Hát Xoan. Em Nguyễn Minh Ngọc, học sinh lớp 4A9 hào hứng: Em rất yêu thích Hát Xoan, ở trường các thầy cô đã dạy cho chúng em rất nhiều bài hát. Ban đầu em thấy rất khó hát, khó thuộc lời nữa, nhưng càng về sau khi đã học nhiều lần quen với làn điệu em thấy Xoan dễ hát, dễ thuộc lời. Hôm nay vừa được đến tham quan Miếu Lãi Lèn, vừa được các bác, cô chú kể về nguồn gốc và giải thích ý nghĩa, dạy cách Hát Xoan, em đã hiểu hơn về làn điệu Hát Xoan... Các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng “đồng diễn” tiết mục: “Ngựa bạch sang sông” trước sân Miếu Lãi Lèn.
Nhằm tạo không khí gắn kết vui vẻ, đưa các em đến gần hơn với làn điệu Xoan cổ, trong phần biểu diễn bài Mó cá, các nghệ nhân đã mời nhiều em học sinh cùng tham gia trình diễn. Những cậu trò hiếu động nhất, nghịch ngợm nhất lại là những người đầu tiên giơ tay, xung phong để được lên trình diễn cùng các nghệ nhân. Dù vậy, khi tiếng trống, lời hát cất lên, các em không khỏi có những ngượng nghịu, rụt rè khi biểu diễn chung với các nghệ nhân. Bởi vậy, ngay trong khi trình diễn, các nghệ nhân đã trực tiếp hướng dẫn những động tác múa, đưa chân, cách hát đúng kỹ thuật cho các em. Để đáp lại sự ân cần, nhiệt tình của các nghệ nhân phường Xoan Thét, cũng như thể hiện sự "hiểu biết" về Hát Xoan thay lời cảm ơn, hơn 700 em học sinh cùng các giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã cùng "đồng diễn" một tiết mục Hát Xoan mang tựa đề: Bạch mã sang sông. Lúc này, các em học sinh đã không còn rụt rè như trước, thay vào đó là sự háo hức được trình diễn Hát Xoan thể hiện qua những khuôn mặt rạng rỡ, những đôi tay mềm, giọng hát trong veo... Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hoạt động tham gia tìm hiểu và học Hát Xoan đã được đưa vào trường học từ năm 2011. Giáo viên âm nhạc của trường còn được tham gia các lớp tập huấn Hát Xoan của tỉnh. Bên cạnh việc đưa Hát Xoan vào trường học, nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm và học Hát Xoan từ những nghệ nhân cho các em học sinh tại chính nơi phát tích ra Hát Xoan nhằm giúp các em có cái nhìn trực quan, sinh động hơn và khơi dậy niềm tự hào, yêu mến Di sản của dân tộc trong các em... Trước khi kết thúc buổi trải nghiệm, theo sự hướng dẫn của cán bộ văn hóa xã Kim Đức, các em học sinh trật tự xếp thành hàng đến nhà trưng bày nghệ thuật Hát Xoan để tham quan và tìm hiểu rõ hơn về lịch sử cũng như nghệ thuật trình diễn Hát Xoan. Ông Nguyễn Xuân Hội, Phó trùm Phường Xoan Phù Đức cho biết: “Tôi rất vui mừng và tự hào với những hoạt động cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của Hát Xoan.
Những hoạt động trải nghiệm, học tập như hôm nay đã, đang góp phần hình thành một lớp công chúng hiểu biết và yêu Di sản của dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật quê hương, những người lớn tuổi như tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ sẽ là lớp kế cận gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật Hát Xoan”...
Hát Xoan Phú Thọ đã được ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, điều này thể hiện những nỗ lực của các cấp chính quyền, các phường Xoan gốc và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Để tiếp tục thực hiện công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy vai trò, giá trị của Hát Xoan trong đời sống, cần nâng cao năng lực của cộng đồng - những “chủ thể” của Di sản Hát Xoan Phú Thọ. Ngoài việc đưa Hát Xoan vào trường học, cần thiết có những hoạt động ngoại khóa để đông đảo các em học sinh tăng cường hiểu biết, yêu thích và thực sự say mê với Hát Xoan, từ đó trực tiếp tham gia việc bảo tồn, phát huy tác dụng Di sản Văn hóa đang hiện hữu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.