Chúng tôi đến phường Dữu Lâu được các bậc trưởng lão kể lại rằng vùng đất này nằm trong kinh đô Văn Lang từ thời Vua Hùng dựng nước. Xưa kia có tên gọi làng Trầu nằm ven sông Lô, giao thông thủy, bộ đều thuận tiện. Là một làng cổ được Nhà nước Văn Lang chọn làm nơi đặt kho tàng, dự trữ lương thực. Làng Trầu xưa trồng rất nhiều cây trầu không nên chợ Dầu trở thành nơi cung cấp lá trầu cho các tỉnh trung du, đồng bằng và cả Kinh thành Thăng Long sau này.
Chợ Dầu xưa họp ngay ven sông Lô trên đồi Mỏ Cú, nay chợ chuyển về trên đường Trần Phú, phường Dữu Lâu nhưng vẫn lấy tên là chợ Dầu để nhớ về vùng quê Trầu. Xung quanh khu vực chợ hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển với nhiều làng nghề chế biến nông sản, chợ Dầu theo đó cũng sôi động vào các phiên chợ, người mua người bán tấp nập. Dân làng các vùng xung quanh như: Hùng Lô, Phượng Lâu, Kim Đức vẫn mang các sản vật làm được tới phiên chợ để bán với mặt hàng rau giống, hạt giống, nông sản, thực phẩm, công cụ nông nghiệp, đồ thủ công,... Chợ Dầu họp phiên thường xuyên trong tháng cứ 10 ngày lại có 4 phiên chợ. Bà Nguyễn Thị Oanh, khu Bảo Đà, phường Dữu Lâu người gắn bó với gian hàng bán trầu cau chia sẻ: Cô bán hàng ở đây hơn 20 năm. Chợ tuy có thay đổi so với ngày xưa nhưng vẫn giữ được nét hoài cổ, cho nên ai đến chợ Dầu cũng thích vì nét cổ xưa; cứ đến phiên chợ ai có nhu cầu tìm mua đồ gì cũng có.
Những người đã gắn bó lâu năm với chợ Dầu đều cho rằng chợ Dầu ngày nay đã thay đổi nhiều hơn với những mặt hàng phong phú. Dẫu vậy, như một thói quen, bà Đào Thị Vinh nay đã về hưu vẫn đến chợ vào những ngày phiên, nhiều khi không chỉ là để mua thực phẩm cho gia đình mà để ngắm, để thưởng thức và nhớ lại không khí của phiên chợ xưa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Huy Thiện cho biết: Cùng với sự phát tích của Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ở Dữu Lâu còn có nhiều di tích văn hóa vật thể như: Đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Dữu Lâu, đình Quế Trạo, miếu Dữu Lâu - là nơi thờ cúng những người có công với nước, với dân như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh đại vương... Hàng năm, nơi đây thường diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, những phiên chợ quê cũng dần thưa thớt, thay vào đó người ta thích đến những siêu thị đẹp đẽ, sang trọng có đủ mọi thứ. Thế nhưng, dù phát triển thế nào thì hình ảnh về một phiên chợ quê giản dị đâu đó vẫn sẽ chẳng phai nhòa trong ký ức của người dân Việt Trì và biết bao thế hệ khác. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” - một dấu ấn sâu đậm trong đời sống nhân dân. Làng Trầu tuy đã nhiều đổi thay nhưng sắc thắm của miếng trầu làm nên mối lương duyên trăm họ vẫn nguyên nét thủy chung; đậm tình làng, nghĩa xóm... Không còn là chợ Dầu xưa, chợ Dầu ngày nay trở thành nơi giao lưu hàng hóa một phần của thành phố Việt Trì. Vào những dịp cuối năm, nhu cầu về trầu cau tăng cao những người bán trầu cau chẳng có phút nào ngơi tay. Cho dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, quá trình đô thị hóa của thành phố Việt Trì đang diễn ra nhanh chóng, nhưng những phiên chợ Dầu truyền thống vẫn tồn tại như một nét văn hóa riêng của vùng Đất Tổ.