Đúng 10h30’, lượt đầu tiên của ca trưa bắt đầu. Gần 100 công nhân của Công ty Cổ phần gạch men TASA (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) có mặt tại nhà ăn của Công ty. Các dãy bàn ghế được xếp gọn gàng, từng tốp người lần lượt vào ngồi lấp dần những ghế trống. Ở đây, mọi người không chọn bàn hay chọn ngồi ăn với ai, vì với họ, ai cũng là người thân quen, cũng chính bởi cách ngồi ăn quây quần như thế này.
Ông Phạm Hữu Vũ – Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Mỗi ngày công ty sắp xếp 3 ca ăn sáng – trưa - tối, mỗi ca ăn chia 3 lượt để đảm bảo phục vụ tốt nhất đến từng người lao động. Đội ngũ nhà bếp có 15 người, mỗi người phụ trách phục vụ 40 công nhân. Đây là những đầu bếp do công ty lựa chọn, đào tạo và trả lương chứ không đấu thầu cho một tổ chức hay cá nhân nào. Chính điều đó giúp người lao động gắn bó lâu dài và coi nhau như người nhà. Có thể nói, việc xem nhau như người nhà được thể hiện rất rõ trong những bữa cơm như thế này. Mỗi người lao động chủ động giúp nhân viên nhà bếp mang thức ăn còn thiếu lên mâm, lấy hoa quả, nước uống cho cả bàn. Có những lúc cao điểm trong một ca ăn, một vài công nhân còn giúp nhà bếp chuẩn bị, sắp xếp thức ăn để mang ra cho các công nhân khác. Trong dăm ba câu chuyện hàn huyên suốt bữa ăn, không thiếu những lời khen hay lời cảm ơn gửi đến những người đứng bếp. Anh Nguyễn Văn Quang (26 tuổi) nhân viên vận hành hệ thống chia sẻ: “Ăn cơm bếp rất ngon, thực đơn được thay đổi thường xuyên, tôi ở trọ nên toàn phải ăn cơm bụi, nhiều lúc chỉ muốn đi làm để được ăn cơm bếp.” Cô Bùi Thị Lợi – Bếp trưởng bếp ăn Công ty bộc bạch: “Mình nấu cho cả mấy trăm người, biết ai khẩu vị như thế nào. Thôi thì có sao nấu đấy, mọi người ăn được, đảm bảo sức khỏe là vui rồi.” Khi được hỏi thêm về thực đơn hàng ngày của công nhân, cô chia sẻ: “Mùa nào thức nấy thôi, chị em nhà bếp lên thực đơn hàng ngày rồi báo lại với phòng tổ chức hành chính và công đoàn. Bữa ăn ca của người lao động có mức giá 16 nghìn đồng/suất, là nguyên thực phẩm, không gồm phụ phí gì cả. Những ngày lễ, tết hay thưởng do năng suất cao thì có thêm nhiều món ngon hơn. Khi đó thì một suất cơm có thể lên đến 40 nghìn đồng/người.” Sau bữa ăn, mọi người tự giác dọn dẹp bàn ghế sạch sẽ để chuẩn bị cho lượt ăn tiếp theo và mang bát đĩa của mình ra khu vệ sinh để nhân viên dọn rửa. Việc làm này một phần để giảm bớt công việc cho đội ngũ nhân viên nhà bếp, cũng là thể hiện trách nhiệm của mỗi người lao động trong việc giữ gìn nhà ăn chung. Đúng như câu khẩu hiệu được treo ngay ngắn: “Nhà bếp là của chúng mình/ Cùng nhau xây dựng ấm tình anh em”.
Xây dựng được ý thức cho mỗi người lao động để đóng góp cho sự phát triển của công ty không phải là việc làm trong ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình. Việc TASA xây dựng được một bếp ăn tập thể ấm tình thân như thế này chính là thành quả của việc tạo cho người lao động cảm giác gần gũi, ý thức, trách nhiệm xây dựng và giữ gìn như trong chính gia đình của họ. Cùng với những bữa cơm đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần, người lao động chắc chắn sẽ có tâm lý thoải mái để hoàn thành tốt công việc, góp phần cho sự phát triển của Công ty.