Hiện nay, toàn thành phố có 128 mô hình, điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua. Trong đó: Lĩnh vực kinh tế , xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh có 48 mô hình; lĩnh vực văn hoá - xã hội có 46 mô hình; lĩnh vực quốc phòng, an ninh có 28 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 6 mô hình.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh: Thành ủy Việt Trì đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội chi, đảng bộ cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động và tổ chức các phong trào thi đua khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, động viên nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.... Trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã đã khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như rau an toàn Tân Đức, mỳ, miến Hùng Lô, hoa đào Nhà Nít (Thanh Đình); đã có nhiều mô hình chăn nuôi cá lồng, chim bồ câu, ngan Pháp, lợn siêu nạc v.v; xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt mới như dưa lưới, măng tây, thanh long, bưởi diễn, chuối tiêu hồng, nấm, làm hương...
Nhiều mô hình phát triển kinh tế của tập thể và cá nhân đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình của tập thể Chi hội "Mỳ gạo Hùng Lô" đạt 500- 700 tr đ/năm; mô hình "Trồng rau an toàn" xã Tân Đức có hơn 250 hộ tham gia doanh thu đạt 20trđ/sào/năm; mô hình "sáng- xanh-sạch" lắp đèn chiếu sáng của phường Vân Phú và Minh Phương đã huy động nhân dân xã hội hóa được 255 triệu đồng; phường Bến Gót có mô hình "thắp sáng đường dân sinh", Hội phụ nữ với mô hình " tiết kiệm chi hội" và mô hình" Tiết kiệm phế liệu" đã vận động được hơn 5.000 hội viên phụ nữ tham gia thu góp phế liệu được gần 200 triệu đồng góp phần hạn chế việc thải các loại vật liệu ra môi trường, đồng thời giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Về cá nhân có mô hình " Nuôi cá lồng" của ông Nguyễn Văn Hoan ở Hùng Lô doanh thu đạt 200- 300 triệu/năm, mô hình" Trồng cây ăn quả" của ông Triệu Văn Trạch ở Hy Cương doanh thu đạt 500 triệu/năm; mô hình "kinh doanh tổng hợp" của ông Lê Trung Kiên ở Vân Phú doanh thu đạt trên 1 tỷ/năm; mô hình "nuôi ong rừng" của ông Nguyễn Văn Thảo xã Hy Cương thu nhập đạt 270 triệu/năm.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Thành phố đã động viên nhân dân thực hiện các phong trào trong xây dựng nâng cấp các công trình giao thông đô thị, làm đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, đường điện chiếu sáng khu dân cư, xây dựng nhà văn hóa, tăng cường cơ sở vật chất trường học... Điển hình như: Mô hình "nâng cấp, cải tạo vỉa hè tuyến đường Hùng Vương" được các hộ dân các phường, xã có nhà ở dọc tuyến đường tích cực hưởng ứng thực hiện công tác xã hội hóa với tổng số tiền nhân dân đóng góp trên 5 tỷ để cùng nhà nước thực hiện lát 55.410m2 vỉa hè. Đặc biệt phong trào"Chung sức xây dựng Nông thôn mới" được thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của từng xã trên địa bàn thành phố, đến tháng 7/2018 đạt 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của thành phố trước 2 năm so nghị quyết đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Đến nay 100% các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn mức độ 1; 10/10 xã được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 4,4 % đến năm 2015 là 2,1% và năm 2018 giảm xuống còn 0,74%. Đã có hàng trăm câu lạc bộ thơ, ca nhạc, cầu lông, bóng bàn... sôi nổi hoạt động, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhiều giải pháp hiệu quả được triển khai để giữ gìn, bảo tồn 2 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Hát Xoan và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã huy động được sức mạnh và quyết tâm cao của hệ thống chính trị. Động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, công tác giảm nghèo, các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, nếp sống văn hóa ở khu dân cư… Trong 10 năm Cuộc vận động “vì người nghèo" đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ trên 18 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã xóa được 550 nhà đại đoàn kết, giúp đỡ phương tiện, cây, con giống cho 141 hộ phát triển sản xuất với số tiền 843 triệu đồng; tặng 337 suất quà, học bổng cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đột xuất và học sinh nghèo vượt khó với số tiền 371 triệu đồng; hỗ trợ 1.648 suất quà với số tiền là 855,88 triệu đồng cho các hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, nạn nhân chất độc da cam /dioxin, ốm đau đột xuất.
Phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, việc mừng thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác hòa giải, giữ gìn đoàn kết trong khu dân cư được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc phức tạp đã sớm được giải quyết, không để phát sinh điểm nóng. Công tác giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp đã được các tổ chức hội tích cực tham gia, hưởng ứng. Từ phong trào này đã có nhiều khu dân cư nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Với các mô hình như "Đoạn đường hoa", "Sáng-xanh-sạch", “Tuyến phố không rác thải”, "Đoạn đường Phụ nữ tự quản",“Đoạn đường xanh thanh niên”... đã góp phần làm cho môi trường sạch đẹp, qua đó vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế quản lý đô thị, hàng năm, có trên 95% khu dân cư và trên 95,5% gia đình đạt danh hiệu văn hóa.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Các mô hình câu lạc bộ "Đội thanh niên xung kích", "Tổ an ninh tự quản", " Tự quản, tự phòng, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” "Thắp sáng niềm tin", "Khu dân cư không có ma túy"... đã hoạt động hiệu quả góp phần giảm bớt tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các phường, xã đã thành lập 23 ban chỉ đạo, 227 ban ANTT, 2088 tổ liên gia tự quản, 02 dòng họ tự quản, thành lập 226 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.680 thành viên, đã tiếp nhận 1.429 vụ, số vụ việc hòa giải thành là 1.198 vụ; Ban thanh tra nhân dân góp phần giám sát 258 vụ việc từ cơ sở, phát hiện 19 vụ việc vi phạm và đề xuất xử lý; tỷ lệ giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo đạt 94%.
Có thể khẳng định, nhờ có những mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, ổn định tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố trong những năm qua, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền ngày càng được nâng lên, đóng góp tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố./.