Cập nhật ngày: 06/04/2022 14:57
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng
Căn cứ vào quyết định số 817/QĐ-TTg, tháng 6/2020 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, thành phố Việt Trì đã chủ động triển khai các hạng mục đầu tư kết cấu hạ tầng với quan điểm ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và liên kết các khu chức năng. Đặc biệt, thành phố đã tập trung nguồn lực nâng cấp các đường vành đai và các tuyến phố chính nội thành, đường vào các khu dân cư; trong đó, quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị. Đồng thời, xác định các không gian dành cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Đất Tổ, xây dựng hệ thống các công trình văn hóa, vui chơi giải trí tiêu biểu.
Để phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối nội ngoại vùng thuận lợi, thành phố đã huy động hàng ngàn tỉ đồng để cải thiện, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; đặc biệt, chú trọng xây dựng các tuyến đường nội thị, hình thành hệ thống đường vành đai, các trục chính, trục ngang trong đô thị, tiêu biểu như: Đường Vũ Thê Lang và hạ tầng kỹ thuật hai bên đường; cải tạo, sửa chữa đường Trần Toại; đường Trường Chinh (đoạn từ UBND xã Phượng Lâu đến đê Hữu Sông Lô); đường Trần Nguyên Hãn (đoạn từ nút giao đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến nút giao đường Hai Bà Trưng); đường nối từ đường Hùng Vương qua đường Nguyễn Tất Thành; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bờ hồ công viên Văn Lang...
Cùng với đó, hạ tầng dịch vụ, du lịch được đầu tư theo hướng phát triển đô thị mới hiện đại kết hợp với kiến trúc đô thị truyền thống; trong đó có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng; Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch Văn Lang, Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn Tourist; Chợ trung tâm…; hình thành các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, vành đai hồ Văn Lang, phố ẩm thực Tiên Dung, Nguyễn Du…
Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể...được chú trọng và trở thành yếu tố hấp dẫn trong sản phẩm du lịch. Thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho tám điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố (gồm đình Hùng Lô, Thiên Cổ Miếu, cụm di tích đình Việt Trì và chùa Hoa Long, đình Ngoại Lâu Thượng, đình Thét, đình Bảo Đà, Di tích lịch sử Đàn Tịch Điền, đình Hương Trầm). Lập điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các phường, xã; trong đó xác định rõ quy mô, diện tích các khu vực đất công trình di tích, văn hóa (đặc biệt là các công trình có liên quan đến Hát Xoan và các nghi lễ, lễ hội liên quan đến thời đại Hùng Vương) để bảo vệ và làm địa điểm phục dựng các lễ hội đặc sắc.
Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống các đồ án quy hoạch đảm bảo phù hợp về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực tiếp tục xây dựng không gian Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam tại ba khu vực chính là: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thành phố Việt Trì, khu Bạch Hạc- Bến Gót. Các nguồn vốn đầu tư được bố trí phân bổ cho từng năm, từng giai đoạn. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và chương trình mục tiêu, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình. Tổ chức lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2040 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các xã: Thuỵ Vân, Thanh Đình, Chu Hoá và nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các xã: Hy Cương, Kim Đức, Hùng Lô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 một số phường, xã trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trong năm 2022, Việt Trì phấn đấu hoàn thành một số công trình chuyển tiếp để đưa vào khai thác sử dụng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình: Nhà làm việc Thành ủy; tuyến đường Trần Toại; đường Trường Chinh (đoạn từ UBND xã Phượng Lâu đến đê Hữu Sông Lô); đường Trần Nguyên Hãn (đoạn từ nút giao đường Nguyễn Tất Thành đến nút giao đường Hai Bà Trưng) và cải tạo nâng cấp một số tuyến đường, tuyến phố trong khu dân cư. Tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao chất lượng tư vấn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả cho từng dự án, công trình. Triển khai đầu tư xây dựng một số công trình, tuyến đường mới có tính liên vùng, liên huyện nhằm kết nối giao thông thuận lợi, tạo không gian đô thị và khai thác hiệu quả hạ tầng hai bên đường như: Đường nối từ đường Hùng Vương qua đường Nguyễn Tất Thành đến đường Âu Cơ (đường Lê Lợi) và khu tái định cư; tuyến đường từ khu công nghiệp Thuỵ Vân đến thị trấn Hùng Sơn; cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng với khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Với việc tranh thủ huy động tối đa mọi nguồn lực, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân…chắc chắn mục tiêu xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp và hiện đại của thành phố Việt Trì sẽ sớm hoàn thành kế hoạch đề ra, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.