Việt Trì khắc ghi lời Bác dặn
Cập nhật ngày: 17/05/2018 14:17
Việt Trì - vùng đất “Địa linh nhân kiệt” nơi các Vua Hùng khởi nghiệp sơn hà, chọn đất đóng đô, lập nên nhà nước Văn Lang- Kinh đô đầu tiên của người Việt. Đây cũng là một trong những thành phố công nghiệp đầu tiên của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa; là cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ tình cảm quan tâm đặc biệt-trong đó có thành phố Việt Trì. Hình ảnh, lời căn dặn của vị cha già dân tộc trong những lần về thăm và làm việc đã ghi sâu trong tâm khảm của các thế hệ cán bộ và nhân dân thành phố.

Những lần Bác Hồ về với Việt Trì

        Trong muôn vàn tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ nói chung, thành phố Việt Trì nói riêng những tình cảm yêu quý đặc biệt. Từ năm 1947 đến năm 1964, Phú Thọ đã chín lần vinh dự được đón Bác về thăm; trong đó, 5 lần Bác Hồ đã dừng chân tại thành phố Việt Trì. Cụ thể:

        Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập đã phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách. Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ là được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc trên đường Người từ Hà Nội lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Bác đã ở và làm việc tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì từ ngày 19/3 đến ngày 29/3/1947. Trong thời gian 11 ngày, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo được bố trí ở nhà cụ Nguyễn Văn Sỹ. Mặc dù phải đảm bảo an toàn, bí mật nên Bác đã không trực tiếp gặp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhưng Bác vẫn thường xuyên nghe báo cáo về tình hình mọi mặt diễn ra ở địa phương và có những ý kiến chỉ đạo đoàn cán bộ giúp đỡ nhân dân Chu Hóa.

        Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại qua đất Phú Thọ, thăm Đền Hùng. Khoảng 10 giờ ngày 19/9/1954, Bác đã gặp và nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Đại Đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân. Người nhấn mạnh:“Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là lời dặn dò tâm huyết của Bác, không chỉ đối với cán bộ, chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô, mà còn xác định ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

        Hòa bình lập lại, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phát triển khu Công nghiệp Việt Trì và nối liền hệ thống giao thông đường bộ quốc gia ở khu vực phía Bắc, Chính phủ cho xây dựng lại cầu Việt Trì tại địa điểm cây cầu cũ đã bị bom đánh sập ngày 9/5/1942. 13 giờ ngày 12/2/1956, Bác Hồ đã về thăm và chúc Tết toàn thể cán bộ, công nhân và các chuyên gia đang lao động ngày đêm quên mình, gấp rút thi công khôi phục cầu Việt Trì. Người căn dặn anh chị em công nhân ra sức thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

        Thực hiện kế hoạch 3 năm (1958- 1960) “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội” của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 20/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt khi về dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” và nói chuyện với hơn 2000 cán bộ. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho đại biểu xã Vân Phú - là xã làm được nhiều phân bón nhất tỉnh Phú Thọ.

        Đặc biệt, ngày 13-4-1959, Hồ Chủ tịch về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì. Nói chuyện với cán bộ, bộ đội, công nhân đang lao động tại công trường, Bác chỉ rõ: "Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Ngày nay ta xây dựng đất Tổ thành khu công nghiệp to lớn, cơ sở của CNXH. Từ đây sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả đất nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng đất Tổ...

        Đáp lại lời căn dặn và sự mong mỏi của Bác, sau hơn 3 năm khẩn trương xây dựng, ngày 18/3/1962, Khu công nghiệp Việt Trì được khánh thành, đưa Việt Trì trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Vĩnh Phú và sau này là tỉnh Phú Thọ.

Xây dựng thành phố Việt Trì hiện đại, văn minh

        Kể từ ngày thành lập đến nay, sau 56 năm xây dựng và trưởng thành, kinh tế- xã hội của thành phố liên tục phát triển, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tăng cường và củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững. Thành phố Việt Trì được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đặc biệt là kể từ sau khi được công nhận là đô thị loại I, thành phố đã thực sự chuyển mình, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

        Năm 2017, điểm nổi bật trong thực hiện phát triển kinh tế là giá trị tăng thêm đạt 8,75%. Tình hình sản xuất công nghiệp- xây dựng- tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, giá trị của một số sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 11.000 tỷ đồng (bằng 102% kế hoạch, tăng gần 12% so cùng kỳ). Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, cận đô thị.

         Thành phố đã tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với 398 dự án, công trình, tổng mức đầu tư lũy kế hơn 7.100 tỷ đồng (riêng năm 2017 là 387 tỷ đồng). Các tuyến đường giao thông nội thành, các tuyến quốc lộ, cầu và các tuyến đường đối ngoại được đầu tư xây dựng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, đường Phù Đổng, cầu Hạc Trì…Giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt gần 80%. Hạ tầng các ngành dịch vụ được tăng cường đầu tư, tạo điểm nhấn cho du lịch như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng; Quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang; quy hoạch các khu vui chơi giải trí sinh hoạt mua sắm, tuyến phố ẩm thực, chợ đêm….. Đề án Đô thị thông minh gắn với xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016- 2020 tầm nhìn 2030 đang được thành phố tập trung thực hiện. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả, đến nay Việt Trì có 09/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ còn xã Kim Đức đã đạt 18/19 tiêu chí, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.

        Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Việt Trì luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và trong tốp đầu các đô thị cùng loại về số lượng và chất lượng học sinh giỏi học sinh năng khiếu…góp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình y tế được triển khai hiệu quả. Hiện nay, toàn thành phố đã có 19/23 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II. 225/225 khu dân cư có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 100%).

        Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống vùng đất Tổ như “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ được chú trọng. Tiềm năng du lịch và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương được tích cực quảng bá; khẳng định nỗ lực, cố gắng trong việc xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

          An sinh xã hội, giải quyết việc làm luôn được đảm bảo. Các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm chăm sóc thường xuyên. Mục tiêu năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 0,87%.

       Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên đổi mới. Đặc biệt, phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu “Tự diễn biến”, “tự suy thoái” trong nội bộ, tạo sức lan tỏa và sự đồng thuận trong nhân dân; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên và là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của thành phố Việt Trì. 

       Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân  thành phố Việt Trì đã và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới; quyết tâm đưa thành phố Việt Trì - thành phố đô thị loại I ngày càng giàu đẹp, văn minh; trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Thu Phương
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...