Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 1949-1951 chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước thực hiện nhiệm vụ kiến quốc ở địa phương; tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, chủ động đánh địch càn quét, chiếm đóng.
Trong phát triển kinh tế, tỉnh tập trung vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, khôi phục lại các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; vận động nhân dân tích cực khai hoang phục hóa, thực hiện khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng” nên chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã khai phá hàng vạn mẫu đất hoang, đất trọc để trồng lúa, ngô, khoai, sắn và các loại cây công nghiệp như chè, sơn, trẩu, sở, bông, gai...
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Đảng bộ và chính quyền tỉnh tạm cấp ruộng đất của các đồn điền vắng chủ cho nông dân. Hội đồng tạm cấp ruộng của tỉnh được thành lập và bước đầu chia 30.010ha đất cho 1.537 gia đình nông dân nghèo, bình quân mỗi hộ được cấp từ 5 sào đến 1,2 mẫu đồng thời đem chia cho dân cày nghèo 182 mẫu ruộng đất hiến điền của 5 địa chủ. Thời điểm này, một số hình thức hợp tác lao động mới đã bắt đầu hình thành như các tổ đổi công từng vụ, từng việc, tạo điều kiện cho nông dân giúp đỡ nhau làm kịp thời vụ. Một số xã ở huyện Lâm Thao, Thanh Ba còn xây dựng được 5 HTX nông nghiệp với 2.867 xã viên.
Ngoài việc chăm lo sản xuất, Đảng bộ còn quan tâm đến việc bảo vệ thành quả lao động. Sau khi thu hoạch, cán bộ hướng dẫn nhân dân vùng giáp ranh địch cất giấu lương thực, giữ gìn trâu bò và nông cụ, sẵn sàng thực hiện “vườn không nhà trống” khi địch tới…vì vậy số lương thực thu hoạch về được nhân dân bảo quản kỹ lưỡng, ít bị địch phá. Những sản phẩm nông nghiệp không những đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn dành một phần cho bộ đội, một phần làm thức ăn chăn nuôi tăng nguồn thu nhập.
Ngoài phát triển nông nghiệp, tỉnh có chủ trương giúp đỡ nhân dân phục hồi sản xuất các ngành nghề thủ công, vì thế một số nghề như làm giấy dó, các xưởng giấy, nghề dệt vải, dệt lụa, làm nón, mũ, ép dầu, làm đường mật, đồ gốm… được khôi phục và hoạt động có hiệu quả, không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng phục vụ cho kháng chiến đồng thời thúc đẩy kinh tế hàng hóa của tỉnh sớm có bước phát triển. Tỉnh còn khuyến khích nhập một số mặt hàng thiết yếu như dầu hỏa, muối, vải, thuốc chữa bệnh… đồng thời chỉ đạo các đoàn thể quần chúng vận động đoàn viên, hội viên thực hiện khẩu hiệu “tích cực dùng hàng nội hóa, bài trừ hàng ngoại hóa” để các sản phẩm địa phương có điều kiện phát triển.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ rất quan tâm đến công tác văn hóa, xã hội. Tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục tập trung xóa nạn mù chữ, từng bước phát triển giáo dục phổ thông nên phong trào thi đua diệt giặc dốt, dạy và học chữ quốc ngữ dấy lên sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hết năm 1950, các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Lâm Thao đã thanh toán xong nạn mù chữ, các huyện khác số người biết đọc, biết viết tăng lên. Thời kỳ này, tỉnh còn đón một số trường học của Trung ương và Hà Nội sơ tán đến, đây là điều kiện để ngành giáo dục tỉnh nhà có thể tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu của kháng chiến về công tác cán bộ.
Đi đôi với sự phát triển của ngành giáo dục, ngành văn hóa thông tin của tỉnh cũng có chuyển biến tích cực trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, vận động nhân dân thi đua ái quốc và tham gia kháng chiến. Thời kỳ này, một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tên tuổi trong Hội Văn nghệ Việt Nam đã về công tác tại huyện Hạ Hòa, lúc này Phú Thọ được coi là thủ đô của văn nghệ kháng chiến với những tác phẩm nổi tiếng như bài thơ Bầm ơi, Bà Bủ của nhà thơ Tố Hữu; nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Trường ca Sông Lô…
Là một trong những địa bàn có nguy cơ bị thực dân Pháp đánh chiếm, Đảng bộ tỉnh quyết định gấp rút củng cố và phát triển lực lượng vũ trang theo hướng chấn chỉnh tổ chức lực lượng dân quân, phát triển lực lượng du kích, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang tập trung. Ngoài lực lượng công khai, Tỉnh ủy còn hướng dẫn các địa phương xây dựng các “đội quân ngầm” ở những nơi xung yếu, lựa chọn du kích từ dưới lên xây dựng mỗi huyện 1 trung đội du kích tập trung và ở tỉnh từ 1 đại đội đến 1 tiểu đoàn. Đến cuối năm 1950, toàn tỉnh có 2198 du kích tập trung. Lực lượng này được giao nhiệm vụ đảm đương toàn bộ công việc chiến đấu và bảo vệ địa bàn, thay thế cho các đại đội độc lập của bộ đội chủ lực rút về xây dựng các binh đoàn lớn. Việc chu cấp cho bộ đội địa phương, nhất là du kích huyện, xã được chính quyền và các đoàn thể các cấp vận động nhân dân ủng hộ. Hầu hết các xã thành lập “Ban bảo trợ dân quân du kích”, “hội mẹ chiến sĩ”, hội “mùa đông binh sĩ”, xây dựng “quỹ nuôi quân”, “đảm bảo quốc phòng”, tổ chức mua sắm vũ khí, quần áo… cho bộ đội, Ngoài ra, tỉnh còn huy động bộ đội tăng gia sản xuất để tự túc một phần lương thực thực phẩm… tích cực chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu với địch khi chúng hành động, vì thế đã đánh bại nhiều cuộc tấn công của kẻ thù, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, bảo vệ hậu phương đồng thời vận động nhân dân chi viện đắc lực cho các mặt trận, góp phần cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang một giai đoạn mới.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ chú trọng công tác phát triển đảng viên, hướng công tác củng cố Đảng vào việc xây dựng chi bộ tự động công tác để đủ sức lãnh đạo mọi hoạt động ở địa phương. Thời kỳ này, Đảng bộ chú trọng việc nâng cao trình độ lý luận cho đảng viên, năm 1950, Đảng bộ tỉnh mở 2 cuộc vận động lớn “Học tập lý luận” và “phê bình và tự phê bình”, tất cả các chi bộ đều tổ chức cho đảng viên học tập trung, qua đó củng cố chi bộ, tăng cường sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến, khắc phục được những tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, tác phong sinh hoạt được khắc phục. Những đảng viên cơ hội, cầu an, trốn tránh nhiệm vụ, không chấp hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ đã bị xử lý nghiêm minh.