“Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” nêu lên một bài học rất quan trọng “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”. Từ bài học đó xác định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân …” quyết định đúng đắn đó dựa trên những cơ sở khoa học và nhân văn.
Nhân dân ta từ người già đến trẻ em, từ trí thức đến nông dân, từ Bắc vào Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa, đều có chung một tên gọi thân thiết đối với Đảng: Đảng ta. Hai tiếng “Đảng ta” không thuần tuý ngôn từ, mà là sự kết tinh, tinh tuý, trí tuệ trong sáng, niềm tin tuỵệt đối của mọi người dân đối với Đảng. Sự hình thành niềm tin đó thật đơn giản, bởi Đảng đem lại quyền lợi cho mọi người dân, bởi Đảng là Đảng của Bác Hồ, một người suốt đời “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ham muốn của Bác Hồ cũng chính là khát vọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang hướng tới, xây dựng một đất nước nhằm mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tiến tới một nước Việt Nam thịnh vượng hùng cường.
Lịch sử Đảng ta là lịch sử một Đảng gắn bó máu thịt trong mối quan hệ Dân với Đảng. 90 năm - một chặng đường của những chiến công, luôn vang lên hai tiếng “Đảng ta”. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, đại thắng mùa Xuân 1975 và công cuộc đổi mới hôm nay, những chiến công đó có nguyên nhân Đảng ta thấm nhuần và thực hiện đúng đắn quan điểm “Dân là gốc”.
Trong công cuộc đổi mới toàn diện, với sự nhất quán của toàn dân, Đảng ta vững vàng theo định hướng đã chọn. Sau hơn 30 năm, đã đem lại những thành tựu to lớn, thắng lợi có ý nghĩa mang tầm vóc lịch sử, kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hoá xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị. Vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong cuộc vật lộn cực kỳ gian khổ, khó khăn, đầy thách thức của nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tình hình xã hội chuyển biến khó lường, đã có nhiều tấm gương đảng viên tiêu biểu, nhiều việc làm mang đậm bản chất nhân đạo, nhân văn của Đảng. Đấy là điều khẳng định, không thể nhầm lẫn và không cho phép ai cố tình đổi trắng thay đen. Nhưng cũng thấy rằng “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Rất đáng lưu tâm, đây là bộ phận không nhỏ, quan trọng hơn nữa là nhận định này đã được nêu ra từ Đại hội IX, quá trình chỉnh đốn Đảng trong 10 năm đầu, sự tiến bộ trên lĩnh vực này không nhiều, buộc Đảng ta phải tiến hành quyết liệt hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những chủ trương và biện pháp cụ thể hơn, sát thực hơn và quyết liệt hơn. Cuộc đấu tranh này không phải chỉ những người đương chức và không có vùng cấm, người có khuyết điểm, có tội, dù ở cấp nào, kể cả khi đã nghỉ hưu vẫn phải chịu kỷ luật nghiêm minh của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, 90 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật của Đảng và chịu hình phạt của pháp luật đã làm tăng niềm tin của Dân đối với Đảng. Nhiều hoạt đông của nhân dân về phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước thông qua mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện có hiệu quả.
Song cần phải có ngay cơ chế cụ thể hơn, thiết thực hơn để nhân dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của Đảng, bày tỏ những quan điểm, những ý kiến trong xây dựng, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát hiện và thi hành các biện pháp mạnh chống quan liêu, cửa quyền, xa dân. Việc của Đảng là việc của dân, những vướng mắc, bức xúc của dân, Đảng phải cùng dân trăn trở giải quyết. Bác Hồ từng dạy: “Đảng phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân. Đảng không ở trên Dân, cũng không ở ngoài Dân, mà ở trong Dân, trong lòng Dân”.
Thực tế không phải ở đâu cũng làm được như thế. Nhiều việc chi bộ bàn quyết định nhưng không triển khai cho dân, đã trở thành chuyện thường ngày ở nhiều cơ sở.
Một xã nọ, triển khai gieo trồng giống lúa mới, đến ngày thu hoạch, lúa vẫn phất phơ cờ lau trắng cả cánh đồng, hỏi chi bộ không biết, hỏi chính quyền ư, không hay! Đắp một đoạn đường ở khu phố nọ chắn mất đường thoát nước làm ngập cả khu dân cư, cứ mỗi trận mưa dân lại ngụp lội vài ngày, có khi hàng tháng. Hỏi chi bộ, hỏi bí thư, không biết! Hỏi người tổ chức thi công, được trả lời gọn lỏn: làm theo bản vẽ thiết kế! Tình trạng khiếu kiện về đất đai diễn ra ở nhiều nơi, có những nơi trở thành điểm nóng, nhưng vai trò chi bộ và đảng viên mờ nhạt.
Những chuyện thường ngày ở thôn, ở xã, ở phường, liên quan đến cuộc sống của dân sao “Đảng ta” lại không biết. Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở những nơi này thật ít tác dụng, nên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân bị xâm hại. Có quy chế dân chủ rồi nhưng thực hiện đúng quy chế dân chủ không phải là chuyện đơn giản, cần phải đấu tranh với những cán bộ, công chức lộng quyền, lạm quyền, không muốn thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ”. Cần phải bổ sung những tiêu chí cụ thể hơn chức năng “giám sát” của nhân dân trong phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra”.
Quan điểm lớn “lấy dân làm gốc” của Đảng có trở nên hiện thực, phong phú hay không chính là do đội ngũ cán bộ của Đảng ở cơ sở. Từ đội ngũ này, dân đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Nếu mỗi tổ chức đảng, ở tất cả các cấp, không am hiểu suy nghĩ, việc làm của dân, không nghe được tiếng nói của dân, thì không thể đề ra được những chủ trương đúng, hợp lòng dân.
Chỉ có thể coi việc của Đảng cũng là việc của mỗi nhà, mỗi người, thì dòng máu trong huyết quản mối quan hệ Dân với Đảng mới đỏ thắm để nuôi sống cơ thể Đảng luôn cường tráng, đủ sức vượt qua những thử thách, làm tròn sứ mệnh vẻ vang, lãnh đạo đất nước theo con đường, mục tiêu đã chọn và mới thấm đẫm hai tiếng “Đảng ta”./.