Phóng viên: TP Việt Trì đã có quá trình 56 năm xây dựng và phát triển. Ông có thể khái quát đôi điều giúp bạn đọc hiểu thêm về thành phố?
Ông Lê Hồng Vân: TP Việt Trì nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, diện tích tự nhiên 11.175,11ha, gồm 13 phường, 10 xã; dân số khoảng 290 ngàn người. Xưa đất Việt Trì là trung tâm kinh đô Văn Lang. Nay Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, KHKT của tỉnh. Là vùng động lực phát triển khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Trì đang nỗ lực xây dựng thành phố du lịch - lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Tuy đã có hơn nửa thế kỷ xây dựng, nhưng Việt Trì từng chịu sự tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh phá hoại của Mỹ, được khôi phục sau ngày thống nhất đất nước. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, Việt Trì mới có sự phát triển toàn diện để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; chính trị ổn định, kinh tế- xã hội phát triển, quốc phòng- an ninh vững mạnh. Sáu mươi năm trước, Việt Trì đón cán bộ, công nhân, chiến sĩ từ cả nước đến xây dựng khu công nghiệp; ngày nay, với những lợi thế về giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; về thông tin liên lạc của tỉnh nằm trên tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh; thành phố tích cực cải cách hành chính, mở lòng đón đồng bào cả nước và du khách quốc tế về với đất Tổ Hùng Vương; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi đón các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh; bằng nội lực của mình, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì anh hùng đã và đang làm nên một diện mạo mới của không gian đô thị phát triển hiện đại, văn minh, giàu bản sắc.
Phóng viên: Phát huy tiềm năng, lợi thế; vượt qua thách thức, khó khăn; đến nay, trong phát triển kinh tế- xã hội và đô thị hóa, Việt Trì đã đạt được những kết quả cơ bản ra sao, thưa ông?
Ông Lê Hồng Vân: Kế thừa và phát huy những thành tựu của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo; khai thác các nguồn lực đầu tư phát triển. Thực hiện nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015- 2020, đến nay, Việt Trì đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực: Không gian đô thị tiếp tục mở rộng với diện mạo ngày càng hiện đại, văn minh; kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm 98,25%. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng. Thành phố tiếp tục hoàn thiện và có thêm nhiều công trình, dự án mới về hạ tầng; đảm bảo toàn bộ hệ thống đường giao thông nội thành được kiên cố hóa và được chiếu sáng; đồng thời triển khai có hiệu quả "Năm trật tự, văn minh đô thị", đã tạo được điểm nhấn cho không gian đô thị. Cả 10/10 xã ngoại thành đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 74/78 trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục và số học sinh giỏi các cấp của thành phố dẫn đầu toàn tỉnh. Công tác quản lý đô thị và vệ sinh môi trường có tiến bộ rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có bước cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 0,97%.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Trì ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và các tuyến liên kết các khu chức năng. Đặc biệt nâng cấp các đường vành đai và các tuyến phố chính nội thành, đường vào các khu dân cư, trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều khu đô thị mới và hàng chục tuyến đường giao thông nội thành như: Nguyễn Du, Hòa Phong, Vũ Duệ kéo dài; Trường Chinh, Phù Đổng, Vũ Thê Lang; hiện đại hóa đại lộ Hùng Vương và các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Châu Phong…; tạo liên kết giao thông với Quốc lộ 2, quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, nút giao IC7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai… góp phần mở rộng giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng dịch vụ, du lịch được đầu tư, trong đó có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng; Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch Văn Lang, trung tâm thương mại BigC, Vincom, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Sài Gòn Tourist; chợ trung tâm…; hình thành các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực dọc đường Nguyễn Du... Có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cả nội thành và ngoại thành, đã có rất nhiều mô hình nhân dân tự quản về an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa, duy tu đường giao thông, tạo cảnh quan đô thị... hoạt động một cách có hiệu quả. Có thể khẳng định, Thành phố đã khai thác mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị mới hiện đại kết hợp với kiến trúc đô thị truyền thống, văn hóa.
Phóng viên: Nhìn ở góc độ văn hóa, việc phát triển đô thị luôn tạo thách thức đối với bảo tồn các giá trị văn hóa. Việt Trì giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Lê Hồng Vân: Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, Việt Trì luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng các di tích, danh thắng, lễ hội dân gian; trong đó có Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng. Hàng năm, Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng cùng 40 lễ hội truyền thống đã được cộng đồng dân cư và nhân dân thực hành tín ngưỡng một cách chu đáo, trang nghiêm và thành kính, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn". Tất cả những điều đó góp phần tạo nên bản sắc và diện mạo của thành phố lễ hội.
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh văn hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; TP Việt Trì phấn đấu đến năm 2020, hàng năm thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10 - 12%/năm nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch... đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại I; xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tạo cho Việt Trì bước phát triển mới.
Với tấm lòng hướng về nguồn cội, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tâm về vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, góp "trí, tâm, tài, dũng" xây dựng TP Việt Trì hiện đại, văn minh.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.