Cùng đi có các đồng chí: Dương Hoàng Hương - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khỏe -Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Huy Hoàng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Việt Trì.
Để có đánh thực tế về việc thực hiện Nghị quyết số 179 trên địa bàn thành phố Việt Trì, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các thành viên trong đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) và Di tích khảo cổ Làng Cả (phường Thọ Sơn). 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 179 thành phố Việt Trì đã phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Thành phố hiện có 169 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Từ năm 2009 đến nay, đã có 50 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn vốn trên 285 tỷ đồng. Thành phố đã xây dựng chương trình hành động và những việc làm cụ thể, thiết thực để gìn giữ và bảo tồn di sản Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Các xã, phường duy trì tổ chức hiệu quả các lễ hội truyền thống với mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch; xây dựng và hình thành một số điểm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm - mua sắm: Du lịch đường sông Đình Hùng Lô và chùa Tam Giang, Hát Xoan làng cổ, “City tour Việt Trì”… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt khoảng 95%, trên 94% khu dân cư văn hóa, hơn 69% phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của thành viên trong đoàn và đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Vài năm gần đây thành phố Việt Trì có sự đổi thay đáng kể trở thành thành phố lễ hội, trung tâm chính trị - văn hóa - kinh tế của tỉnh. Vì thế, cần phải xác định Việt Trì là nôi văn hóa của người Việt cổ, nôi của kinh đô Văn Lang với bề dày lịch sử văn hóa nên cần tăng cường hơn nữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua việc nghiên cứu, đánh giá và đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân. Đồng chí đề nghị, thời gian tới thành phố cần tập trung tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện hiện nay, trong đó lấy con người làm trung tâm. Ở lĩnh vực văn hóa truyền thống phải cố gắng bảo tồn và gìn giữ thật tốt với quy mô, hình thức phù hợp; huy động người dân tham gia các lễ hội truyền thống. Đối với các di chỉ khảo cổ như Làng Cả, thành phố cần tăng cường quản lý, khẩn trương di rời các hộ lấn chiếm để trả lại mặt bằng cho di chỉ; tăng cường đầu tư phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch tại chỗ; sớm thống nhất điều chỉnh quy hoạch quản lý dịch vụ tại công viên Văn Lang, tạo điểm nhấn du lịch. Thành phố chịu trách nhiệm nội dung và cách thức của loại hình quảng cáo đường phố. Cùng với đó, cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn cùng vào cuộc đẩy mạnh vệ sinh môi trường tạo không gian thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam xanh-sạch-đẹp./.