Cập nhật ngày: 12/05/2020 08:39
Trải qua những năm đầu kháng chiến, lực lượng của ta ngày càng mạnh lên, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Bên cạnh những thắng lợi về quân sự, chúng ta còn giành được những thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) đã quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đây là một thuận lợi lớn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta nói chung, đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói riêng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tổ chức từ ngày 30/3 đến ngày 6/4/1951, tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa. Về dự Đại hội có 180 đại biểu (trong đó có 151 đại biểu chính thức) thay mặt hơn 16 ngàn đảng viên toàn tỉnh. Đại hội đã nghiên cứu các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II; kiểm điểm các mặt hoạt động của Đảng bộ giữa hai nhiệm kỳ; đồng thời thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - văn hoá- xã hội; củng cố chính quyền, mặt trận và đoàn thể quần chúng vững mạnh, làm chỗ dựa cho hậu phương kháng chiến; tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang và chú trọng công tác xây dựng Đảng. Đại hội bầu BCH Đảng bộ khóa III gồm 15 ủy viên; đồng chí Lê Kim Giang được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến ngày 11/7/1951, Ban Thường vụ Liên khu ủy Việt Bắc quyết định đồng chí Nguyễn Tấn Phúc - Khu ủy viên Liên khu ủy Việt Bắc làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Kim Giang làm Phó Bí thư.
Đặc biệt, sau khi Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tỉnh được tổ chức, trong hoàn cảnh chiến tranh còn khó khăn nhưng việc xây dựng và củng cố chính quyền các cấp ở tỉnh trong giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến, toàn thể nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng Phú Thọ trở thành hậu phương vững mạnh, có nhiều đóng góp cùng đất nước đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra chương trình phát triển kinh tế của địa phương với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tiếp tục chỉnh đốn việc thực hiện chính sách nông thôn của Đảng. Tỉnh ủy đã giao cho Đảng, đoàn nông hội phối hợp chặt chẽ với các chi bộ địa phương, cơ quan chính quyền nhất là ngành nông chính lên kế hoạch tăng gia cho toàn tỉnh. Bằng những hình thức tuyên truyền phong phú, sự chỉ đạo chặt chẽ, nông dân một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhu cầu quốc phòng và đời sống nhân dân… Đi đôi với phát triển kinh tế, phong trào xây dựng đời sống mới cũng ngày càng phát triển. Nhiều phong tục, tập quán cũ dần được xoá bỏ.
Tuy nhiên, trong khi Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh ra sức thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động trong tỉnh, củng cố thế tiến công thì Pháp tập trung lực lượng mở chiến dịch chiếm đánh Hòa Bình, sau đó là chiến dịch Tây Bắc với trận đánh Chân Mộng- Trạm Thản đi vào lịch sử oai hùng của dân tộc. Vì vậy, song song với việc huy động lực lượng phục vụ chiến dịch, Đảng bộ còn lãnh đạo quân và dân các huyện tham gia đánh địch và có nhiều đóng góp tích cực trong chiến dịch Hòa Bình, được Trung ương Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen…
Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, những năm sau này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, đồng lòng vừa chiến đấu, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, dân công, phương tiện vận tải cho chống địch, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là cơ sở và điều kiện để Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ phát huy ở những giai đoạn sau, đó là khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất (1954 - 1957).
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta kết thúc. Từ đây, nhân dân miền Bắc nói chung, nhân dân Phú Thọ nói riêng được giải phóng, bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, từ chiến tranh chuyển sang hoà bình cũng nảy sinh hàng loạt khó khăn, nhiệm vụ mới cần giải quyết. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp bàn đánh giá khó khăn, thuận lợi của tỉnh và xây dựng Nghị quyết về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt cần giải quyết. Trong đó nhấn mạnh: Chú trọng công tác chống phản động, chống âm mưu do thám của địch, tăng cường lãnh đạo tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân sau ngày hoà bình, hoàn thành phát động quần chúng giảm tô, tiến tới cải cách ruộng đất, đặc biệt chú trọng đến ổn định đời sống dân sinh, đẩy lùi nạn đói.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh vừa khắc phục hậu quả của chiến tranh, thiên tai, vừa tiến hành cải cách ruộng đất. Thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Phú Thọ cũng từng bước tiến hành công tác sửa chữa những hạn chế trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức để phát huy kết quả đạt được, hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá. Nhờ vậy, các hoạt động sản xuất của tỉnh được phục hồi nhanh chóng, âm mưu và thủ đoạn chống phá cách mạng của kẻ thù bị đè bẹp, tình hình tư tưởng, chính trị và đời sống nhân dân ngày càng ổn định.
Đặc biệt, nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả vượt xa mức trước chiến tranh, công nghiệp từng bước được xây dựng, bước đầu phát huy vai trò trong nền kinh tế địa phương. Văn hoá, giáo dục, y tế có bước phát triển nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo, có những cải thiện đáng kể…