Theo kế hoạch được triển khai, nội dung thực hiện mô hình “phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em” chủ yếu tập trung vào các nội dung: tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp làm tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế bền vững và làm giảm sâu những vụ việc xâm hại trẻ em, tội phạm xâm hại trẻ em, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến trẻ em phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương; tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; lồng ghép công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình, tội phạm mua bán người với các chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị; trao đổi thông tin và kịp thời xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT nói chung và hành vi xâm hại trẻ em nói riêng; phối hợp với toàn án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân các cấp trong tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ xâm hại trẻ em.
Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sẽ kiềm chế vụ việc xâm hại trẻ em, đảm bảo không gian an toàn cho trẻ em nơi công cộng và trong gia đình; đảm bảo 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em được tiếp nhận từ các nguồn sẽ được xử lý kịp thời và kéo giảm 10% số vụ xâm hại trẻ em, tăng cường công tác phòng ngừa để triệt tiêu nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Việc ra mắt mô hình “phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em” có vai trò và ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa và chủ động tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; củng cố mối quan hệ giữa lực lượng công an với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác giữ gìn ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tại hội nghị, các đồng chí thành viên ban chỉ đạo phong trào đại diện cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của thành phố đã ký giao ước thực hiện phong trào.