Trong những năm gần đây do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhu cầu tìm việc kiếm việc làm của người dân trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng tăng cao. Lợi dụng vào tâm lý của người dân muốn ra nước ngoài tìm kiếm việc làm với nhu cầu việc nhẹ lương cao, chi phí xuất cảnh thấp, không cần ký kết hợp đồng lao động, không cần yêu cầu về trình độ cao, không yêu cầu về tuổi tác… nên dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài diễn ra phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng của hoạt động xuất cảnh trái phép thì tội phạm tổ chức đưa người sang XCTP ra nước ngoài ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Chúng liên tục thay đổi phương thức hoạt động, không gặp gỡ trực tiếp, liên hệ, môi giới với những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội; chúng yêu cầu người dân tự bắt xe ra các cửa khẩu ở biên giới rồi mới tổ chức thành từng nhóm để xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, khi lao động được ở nước ngoài mới thu tiền môi giới… Do đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh của các cơ quan chức năng hết sức khó khăn.

Trong năm 2021, tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng đã phát hiện 64 trường hợp xuất cảnh trái phép (XCTP) sang các nước Trung Quốc, Campuchia và 600 trường hợp công dân bị nước ngoài bắt, trao trả hoặc nhập cảnh trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 92 vụ/95 trường hợp về hành vi “qua  lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh”; khởi tố, điều tra 02 vụ/02 bị can về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”,  01 vụ/01 bị can về tội “Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh”.  Trên địa bàn thành phố Việt Trì đã phát hiện 23 trường hợp xuất cảnh trái phép, bị nước ngoài bắt, trao trả; trong đó 01 trường hợp bị Công an thành phố Việt Trì ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 17 trường hợp công dân sau khi nhập cảnh trở về Việt Nam đã bị Đồn biên phòng các cửa khẩu tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “qua  lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh”; một số trường hợp sau khi được trao trả về Việt Nam đã không trở về địa phương.

Việc xuất cảnh trái phép, nhập cảnh, cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài là vi phạm pháp luật Việt Nam cũng như nước sở tại. Ngoài ra, công dân Việt Nam sẽ gặp nhiều hệ lụy như: Không được bảo hộ, đảm bảo quyền lợi về tính mạng, sức khỏe, tài sản; bị các cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đẩy đuổi vì nhập cảnh, cư trú trái phép…

Công dân Việt Nam có thể sẽ bị áp dụng các chế tài về hành vi xuất nhập cảnh trái phép tuỳ  vào mức độ, số lần vi phạm của hành vi. Có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 Đối với hình thức xử phạt hành chính, tại Điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: “Chủ phương tiện, người quản lý phương tiện, người điều khiển các loại phương tiện vận chuyển người nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam trái phép”, “Tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép”

Về trách nhiệm hình sự, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

- Điều 347. Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

- Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 10 năm theo từng mức độ phạm tội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Điều 349. Tội tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép “Mức phạt cao nhất đến 15 năm tù”;

- Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép “mức phạt cao nhất đến 20 năm tù”

Công tác đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công na mà nó đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tự giác thực hiện của người dân

Để góp phần hạn chế và ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn cần thực hiện một số biện pháp sau:

Luôn đề cao ý thức cảnh giác, không tin theo các biểu hiện của hoạt động môi giới, lôi kéo người dân địa phương xuất nhập cảnh trái phép như: Hứa hẹn đưa người đi lao động, làm việc ở nước ngoài mà không cần hợp đồng lao động, có thể làm việc ngay mà không yêu cầu trình độ, không cần giấy tờ đi lại quốc tế, yêu cầu người có nhu cầu tìm kiếm việc làm tự đến các khu vực cửa khẩu biên giới và sẽ có người đưa đón…

Đề nghị người dân có nhu cầu tìm việc làm cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin, liên hệ các đơn vị chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động được cấp phép để được hướng dẫn cụ thể.

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi xuất cảnh, nhập cảnh, lao động ở nước ngoài. Không xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không chứa chấp người xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép; không tổ chức, môi giới, đưa dẫn người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép.

Khi phát hiện hành vi tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc tự ý xuất nhập cảnh trái phép, đề nghị người dân thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật./.

                                                                

Công an thành phố Việt Trì
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...