Vươn mình trở thành thành phố lễ hội
Cập nhật ngày: 30/05/2017 11:31
Việt Trì – Phú Thọ tự hào là mảnh đất của cội nguồn dân tộc Việt Nam, vùng đất đa dạng văn hóa, nơi chất chứa những trầm tích lịch sử linh thiêng hàng ngàn năm. Việt Trì hôm nay đang vươn mình trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

          Nằm trên một vùng rộng lớn từ Bạch Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Hồng – sông Lô – sông  Đà đến chân núi Nghĩa Lĩnh (Núi Hùng - Núi Cả); Thành phố Việt Trì là địa bàn sinh tụ từ rất sớm của cư dân người Việt cổ, sinh sống qua các giai đoạn văn hoá nối tiếp nhau. Từ thời kỳ tiền Hùng Vương - văn hoá Phùng Nguyên - văn hoá Đồng Đậu - văn hoá Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn (đỉnh cao của nền văn minh sông Hồng, gắn với thời kỳ phát triển rực rỡ của thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang).

          Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Phú Thọ mà Thành phố Việt Trì còn là vùng đất phát tích, còn nguyên những giá trị, dấu tích vật thể và phi vật thể của thời đại Hùng Vương với hàng trăm lễ hội mang nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ, là kho tàng di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của vùng đất mạch nguồn trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Việt Trì - Đền Hùng đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc, quy tụ và gắn kết mọi người trong nghĩa “đồng bào”, trong khối đại đoàn kết mà hiếm nơi nào trên thế giới có được, khi tất cả các dân tộc thờ chung một Quốc Tổ, một cội nguồn. 

          Hiện nay, Thành phố Việt Trì có 41 lễ hội truyền thống trong năm, trong đó trọng tâm là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch đã được nhân dân thực hành tín ngưỡng một cách chu đáo, trang nghiêm và thành kính.  Hàng năm, khu di tích lịch sử Đền Hùng đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dâng hương tưởng nhớ vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.  Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương  và Hát Xoan ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

          Việt Trì cũng là vùng đất có nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, danh lam gắn liền thời đại các Vua Hùng. Rất nhiều các lễ hội dân gian và cũng như các lễ hội mới được hình thành trong quá trình hội nhập, phát triển... mà do chính người dân là chủ thể, thực hiện việc gìn giữ, phục dựng, tiếp thu, chắt lọc và tổ chức hoạt động.

        Tiếp nối giữa quá khứ lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh giữ nước, Thành phố Việt Trì đang dần thay da đổi thịt: kinh tế - xã hội của thành phố liên tục phát triển, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được tăng cường và củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững. Thành phố Việt Trì đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Thành phố đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu VNĐ/người/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố nhiệm kỳ qua được duy trì, giá trị tăng thêm bình quân đạt 5,71%/năm. Nhân dân tin tưởng và đồng thuận thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cho đến nay, Việt Trì đã tạo dựng được cơ sở hạ tầng, cơ sở xã hội với diện mạo của đô thị loại I, đủ tiền đề để xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

        Đến Việt Trì hôm nay chúng ta có thể cảm nhận được diện mạo thành phố có nhiều thay đổi, khang trang, hiện đại hơn; với sự xuất hiện ngày càng nhiều các quần thể kiến trúc, mảng đô thị hiện đại, các công trình cao tầng là những điểm nhấn kiến trúc đô thị có chất lượng cao. Nhiều công trình mới được xây dựng như Khu công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương, đường Hòa phong, Đường Nguyễn Du, Đường Phù Đổng, Đường Trường Chinh... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh  và các công trình công cộng đã được Thành phố đầu tư. Quy chế quản lý đô thị của Thành phố ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống. Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống, kinh tế - xã hội đang phát triển theo hướng hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam đến năm 2020, Việt Trì đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, Phú Thọ đến năm 2030; đặc biệt chú trọng thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng thành phố văn hóa, văn minh, hiện đại.

Thành phố cũng tập trung xây dựng không gian Thành phố Lễ hội tại 3 khu vực chính: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thành phố Việt Trì và Bến Gót- Bạch Hạc. Xây dựng không gian trung tâm lễ hội các khu vực, xã phường được gắn liền với các trung tâm công cộng, các điểm lễ hội tại khu dân cư. Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội hiện có và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống. Phục dựng có chọn lọc một số lễ hội đã mai một như: Lễ hội rước ông Khưu, bà Khưu; rước giải; hú cờ; tế thánh xã Thanh Đình; lễ hội cướp còn, nấu cơm thi ở Bạch Hạc; lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa Minh Nông, hội chạy kem, Tổ tôm điếm. Duy trì và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với các lễ hội. Xây dựng một số lễ hội mới: Lễ hội đường phố; lễ hội bơi chải hồ công viên Văn Lang; lễ hội của đồng bào công giáo (Thụy Vân)...

 Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phục dựng các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng được quan tâm. Chỉ trong 2 năm qua, đã có 25 di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng; thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống. Hoạt động này, đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Việt Trì; kết hợp giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với các họat động du lịch, dịch vụ; từng bước chuẩn hóa các nghi thức lễ và các họat động hội. Đó cũng là một trong những điều kiện cần thiết trong lộ trình xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thực hiện nghi lễ đã phát huy vai trò làm chủ sinh hoạt diễn xướng, thực hành nghi lễ truyền thống nhằm bảo đảm tính đa dạng văn hóa và bản sắc vùng miền. Số lượng nghệ nhân và những người tham gia thực hiện các nghi lễ ngày càng tăng, trong đó đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, tự nguyện của đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên trên địa bàn.  Họ chính là những là chủ thể sáng tạo - thực hành - trao truyền di sản văn hóa thời đại Hùng Vương. Hơn nữa, người dân trên địa bàn thành phố ngày càng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn hóa du lịch, dịch vụ; thi đua xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Ý thức về cung cách ứng xử văn minh nơi công cộng; giữ gìn bản sắc con người Đất Tổ thanh lịch; thái độ phục vụ du khách thập phương, bạn bè quốc tế được nâng cao. Tính kỷ luật trong thực hiện bảo vệ cảnh quan môi trường được chú trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho rằng “Xây dựng Thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam” là phù hợp với truyền thống văn hóa, đoàn kết của nhân dân cả nước bởi Việt Trì, Phú Thọ chính là cái nôi của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị triển khai đồng bộ các giải pháp đi đôi với bảo đảm các tiêu chí của một thành phố sinh thái, du lịch và bảo vệ môi trường….

Sự đồng thuận, ủng hộ của người đứng đầu Chính phủ, cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì...sẽ là bệ phóng để Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền đất nước. 

Thu Phương
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...