Chỉ cần mấy bộ bàn ghế nhỏ, một chiếc xe đẩy di động loại vừa, người chủ hàng này đã có thể vừa chế biến, vừa bán hàng. Không cần cầu kỳ biển hiệu, mái che … nhưng khách đến ăn thì vẫn cứ nườm nượp đứng lên ngồi xuống. Em Tô Linh Giang – Sinh viên trường Đại học Dự bị dân tộc Trung ương cho biết “ Do ở gần đây nên em thường xuyên ra quán này ăn. Mùi vị thì em thấy cũng thơm ngon, mà giá cả cũng phải chăng, chất lượng thì em cũng chẳng biết thế nào đâu ạ” Còn em Trần Thị Thắm – Phường Thanh Miếu, Việt Trì thì “cảm thấy rất thoải mái khi ngồi ăn ở những quán ở vỉa hè như thế này, chứ ngồi trong quán thấy không thích bằng. Ăn ở vỉa hè thấy giá cũng không rẻ mà cũng không đắt, hợp túi tiền như học sinh bọn em”
Còn hình ảnh những chiếc xe đẩy, vài cái tủ đơn giản cùng một cái bếp ga mini … cũng không phải xa lạ tại một số cổng trường học cấp 1, cấp 2. Khách đa phần là học sinh, phụ huynh ghé qua mua đồ ăn sáng, việc ăn diễn ra ngay tại vỉa hè, cổng trường. Đông khách bởi sự tiện lợi, nhanh gọn, và giá cũng rẻ.
Ghé qua một phiên chợ chiều tại phường Minh Phương, Việt Trì, khung cảnh tấp nập người bán kẻ mua. Chủng loại phong phú, và đặc biệt, những hàng bán đồ ăn nhanh, chín sẵn thì không thiếu loại gì. Cũng chỉ đơn giản là vài cái bàn, một vài cái thúng… thế là đã có một cửa hàng di động đồ ăn thức uống từ bún, bánh, thịt quay, đồ ăn luộc, rán sẵn. Khi được hỏi, chủ hàng nào cũng khẳng định chắc nịch “Đồ ăn nhà làm ra, đảm bảo lắm”
Chị Nguyễn Thị Hoàn – xã Bồ Sao, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, bán bún, bánh tại chợ Minh Phương đã nhiều năm nay. Chị cho biết “Bánh này nhà em và dì em tự làm, an toàn đảm bảo lắm ạ. Em làm mãi rồi, tháng nào cũng có người đến kiểm tra an toàn thực phẩm”
Bên cạnh đó, là chủ nhân của chiếc xe đẩy bán thịt quay đang nghi ngút khói than. Khi chúng tôi hỏi thức ăn này có nguồn gốc như thế nào, anh cho biết “Thịt này nhà em lấy tại cơ sở có kiểm định, người ta đảm bảo cho nhà em, khi chế biến thì em không cho chất phụ gia, an toàn lắm. Mà khi chế biến em cũng có nilon che đậy cẩn thận”
Nói là đảm bảo vệ sinh nhưng có thể nói, khâu chế biến và bày bán là chưa thực sự đúng quy định bởi, khi hỏi tại sao hàng bày bán sát lòng đường, không có dụng cụ che đậy thì sao dám khẳng định sạch, chị Nguyễn Thị Hoàn lại có một lý do rất đơn giản “Mọi hôm em có ni lon che nhưng hôm nay em mang đi giặt nên quên mất ???”
Tính đến nay, thành phố có hơn 700 cơ sở dịch vụ ăn uống, bia hơi, giải khát, bán đồ ăn nhanh như chè, kem, bánh mỳ, xúc xích… chủ yếu tập trung quanh các khu vực trường học, cơ quan công sở. Những cửa hàng này đều được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, có các tiêu chí theo quy định. Bên cạnh đó, có 184 cơ sở thức ăn đường phố, thuộc loại di động, không có điểm cố định, không biển hiệu…Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các chủ hàng cũng đều phải được tập huấn, và nắm các kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm trước khi bán hàng. Ông Phan Thanh Nam – Trưởng Phòng y tế thành phố Việt Trì cho biết “Đối với các cơ sở thức ăn đường phố, hàng năm chúng tôi thường tổ chức tập huấn để họ nắm được các kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thực phẩm như phải có các điều kiện về sức khỏe, có kiến thức về an toàn thực phẩm, có các cơ sở thiết yếu phục vụ như khay đựng đồ ăn, sử dụng bao tay khi chế biến, có tủ đựng và che đậy thức ăn…. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ sở xã, phường nắm bắt số lượng người bán hàng, do họ thường xuyên biến động, nay đây mai đó, có khi là người từ tỉnh khác về bán hàng”
Có thể thấy, có cầu thì có cung, vì mưu sinh cuộc sống, vì nhu cầu người mua, các loại hàng ăn, uống đua nhau mọc ra, tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là liệu những quầy hàng kia có mang đến người tiêu dùng những thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh như cam kết. Ai dám chắc thức ăn kia thực sự an toàn, hay phải sau khi ăn mới biết. Điều đó cần sự quan tâm thường xuyên của các đơn vị chức năng, cũng như ý thức của chính những người bán hàng./.