Cập nhật ngày: 11/02/2016 00:54
Với vị trí địa lý và những điều kiện tự nhiên của Việt Trì, các nhà sử học đã dày công nghiên cứu để xác định mối quan hệ giữa Việt Trì và Kinh đô Văn Lang thời kỳ đầu dựng nước và sự ra đời của Thành phố Việt Trì - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật ngày nay của tỉnh Phú Thọ. Trải qua thăng trầm lịch sử, Việt Trì vẫn còn lưu giữ những dấu tích lịch sử văn hoá của mấy ngàn năm trước.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có trên 100 di tích lịch sử trong đó có 02 di sản văn hóa thế giới, 01 di tích xếp hạng đặc biệt Quốc gia, 13 di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia, 39 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh, 48 lễ hội được tổ chức thường niên tại các di tích.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết quyết số 01-NQ/ĐH ngày 31/7/2015 của Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020 về triển khai thực hiện khâu đột phá nhằm xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ủy ban nhân dân thành phố đã triển khai Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng bản đồ di sản văn hóa thành phố Việt Trì. Việc xây dựng Bản đồ di sản văn hóa (gồm cả vật thể và phi vật thể) tạo ra một công cụ thiết thực, vừa giúp ích cho các cơ quan quản lý làm công tác nghiên cứu chuyên môn nắm được diện mạo chung để nghiên cứu, quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố vừa là công cụ tra cứu tiện ích cho các du khách tiếp cận di sản. Bản đồ di sản văn hóa cũng thể hiện các di sản trong diện cần ưu tiên bảo vệ, các di sản trong danh mục di sản quốc gia. Bản đồ cũng đưa ra con số thống kê cụ thể số lượng di sản trên địa bàn mỗi phường, xã của thành phố. Cũng qua quá trình kiểm kê di sản giúp chính quyền và nhân dân địa phương càng nhận thức rõ được vai trò quan trọng của các nghệ nhân, những người am hiểu và nắm giữ di sản văn hóa.
Xã Hùng Lô, nơi có đình Hùng Lô (hay còn gọi là Đình Xốm)- một di tích cấp quốc gia nằm trong các di sản vật thể được kiểm kê. Trong những năm gần đây ngôi đình được bảo tồn, tôn tạo và trùng tu cũng như phục dựng các lễ hội đi kèm. Ông Nguyễn Tiến Đức- Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết những nỗ lực của đại phương trong bảo tồn di tích này : “di tích đình Hùng Lô là di tích cấp quốc gia, do vậy đối với địa phương luôn xác định, công trình di tích đình làng luôn được quan tâm chú trọng. Đặc biệt đây là nơi hàng năm tổ chức các hoạt động liên quan đếntín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; bên cạnh đó, để xác định giữ gìn truyền thống thì địa phương cũng đưa vào kế hoạch hoạt động của địa phương để thường xuyên bảo tồn, gìn dữ. Tới đây, địa phương sẽ quan tâm hơn đến việc bảo tồn, gìn giữ, tránh xuống cấp để nơi đây mãi là nơi tổ chức hoạt động tín ngưỡng, văn hóa”
Có thể khẳng định, qua kết quả kiểm kê cho thấy thành phố Việt Trì là nơi hội tụ của nhiều di sản cả vật thể và phi vật thể có giá trị cao. Về di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn, Việt Trì có nhiều di sản có giá trị, đáng được quan tâm, trong đó phải kể đến di sản Hát Xoan tại 4 phường Xoan gốc ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu. Hát Xoan đang được bảo vệ và có tiềm năng phát huy cao, góp phần củng cố sức sống của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đóng góp cho chương trình phát triển du lịch bền vững của thành phố Việt Trì.
Bên cạnh đó, còn có những di sản khác như “Nghệ thuật bơi chải trong hội đền Tam giang, phường Bạch Hạc”, một hoạt động thể thao văn hóa truyền thống gắn với lễ hội, nghi lễ diễn ra tại ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Lô và sông Hồng. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc có thể đóng góp tốt cho phát triển du lịch của Thành phố.
Trên địa bàn thành phố có “tín ngưỡng thờ Mẫu” - Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hồ sơ về di sản này đã được đệ trình UNESCO để xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào kỳ họp Ủy ban cuối năm 2016. Nói về những thuận lợi trong quá trình lập bản đồ di sản văn hóa để đưa bản đồ di sản vào cuộc sống, bà Nguyễn Thu Hiền- Trưởng phòng văn hóa thong tin thành phố- phó ban chỉ đạo kiểm kê di sản thành phố cho biết: “Trong qua trình kiểm kê, lập bản đồ di sản văn hóa thành phố thì chúng tôi đã gặp nhiều thuận lợi như: sự tạo điều kiện của thành ủy, UBND thành phố; sự tư vấn của trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa; cùng với đó cộng đồng nhân dân đã nhiệt tình, nghiêm túc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; cấp ủy, chính quyền địa phương cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm kê”
Việc xây dựng bản đồ di sản văn hóa sẽ làm căn cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách quản lý và bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì. Đồng thời, là tiền đề để xây dựng bản đồ Du lịch Thành phố vào năm 2016, thúc đẩy quá trình hiện thực hóa xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam như Nghị quyết đại hội lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra./.